top of page
Tìm kiếm

NGỘ KHÔNG & TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG - P.4

Đã cập nhật: 11 thg 3, 2021


NGŨ HÀNH SƠN

Nghi thức cầu nguyện của người Tây Tạng và chi tiết ngọn núi Ngũ Hành Sơn có mối liên quan gắn kết với nhau ở một số điểm tương đồng. Phật pháp xuất phát từ Ấn Độ theo dòng biến chuyển của lịch sử lại được phổ biến nhiều ở Tây Tạng và sau được truyền qua các nước khác. Người dân Tây Tạng có một phong tục là sau khi cầu nguyện sẽ ghi câu thần chú “Om mani padme hum” lên trên một hòn đá rồi đặt bên đường, lâu dần nhiều người làm như vậy tạo thành những bức tường đá có chứa hàng trăm câu thần chú. Có thể đây là phong tục truyền cảm hứng để tác giả Ngô Thừa Ân sáng tạo nên chi tiết Phật Tổ Như Lai giam Ngộ Không dưới ngọn núi Ngũ Hành Sơn, ngọn núi chính là sự phóng đại của hòn đá mà người dân Tây Tạng dùng để cầu nguyện. Nhớ lại thời điểm Ngộ Không đại náo thiên cung, chính là lúc mà tâm ma bành trướng, người ta khi cầu nguyện chính là để xem xét những điều chưa tốt trong lòng mà sửa chữa, nên khi cầu nguyện cầm hòn đá lên chú nguyện vào và ghi thần chú để cho tà tâm không thoát ra được, sau đó bỏ nó xuống bên đường để xả bỏ. Đó là một hành động tượng trưng cho diễn biến của nội tâm.


Tương tự như vậy, Phật Tổ Như Lai dùng Ngũ Hành Sơn, bao gồm năm hành là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ để chế áp ma tâm của Tôn Ngộ Không. Ngộ Không dù tài phép cao cường, bản lĩnh thần sầu cũng chỉ là tạo tác từ năm hành này, nên không thể chống lại được sự kìm tỏa, đành phải chấp nhận chịu phạt năm trăm năm. Khắp ba mươi ba tầng trời cho đến mười tám tầng địa ngục, đâu đâu cũng có thần tiên pháp thuật cao cường nhưng không ai khống chế nổi Ngộ Không, duy chỉ có Phật Tổ, người đã thoát ra khỏi lục đạo luân hồi không còn chịu sự tác động của Ngũ Hành mới đủ khả năng chấn chỉnh Tề Thiên Đại Thánh bằng Ngũ Hành Sơn và đạo bùa ghi thần chú “Om mani padme hum”.


Ngộ Không suy cho cùng cũng như một người bình thường có đủ thất tình lục dục, nhờ tu tập một thời gian có thể giải thoát được phần nào nên đạt được thần thông, nhưng vì vẫn còn nhiều thứ chưa xả bỏ được nên nhập vào ma đạo. Từ đó mới thấy sự tác động ghê gớm của thất tình, lục dục lên tâm lý con người. Thất tình bao gồm tham, sân, si, mạn, nghi, ác, kiến; lục dục hay còn gọi là lục căn bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. (Ghi chú: ngày xưa công nghệ chưa phát triền nên người ta gọi là lục căn, ngày nay ta có thể hiểu nó như các bộ cảm biến - censor).


Cho nên sau khi được Đường Tăng giải thoát ra khỏi Ngũ Hành Sơn, Ngộ Không đập chết một con hổ dữ. Con hổ này tượng trưng cho sự phẫn nộ, giận dữ, oán hận sau năm trăm năm bị giam cầm. Nghĩa là muốn lên đường thỉnh kinh, phải dẹp đi sân hận, thấy được cái sai của năm trăm năm trước, xả bỏ lòng oán hận của mình. Nếu không như vậy một Tề Thiên Đại Thánh oai danh lừng lẫy năm nào sao có thể hợp tác với Đường Tăng đi bộ thỉnh kinh. Nạn nhân tiếp theo của Ngộ Không chính là sáu tên cường đạo có tên là Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn). Sáu tên cướp này chính là lục căn hay lục dục, người tu hành giải thoát muốn đạt được chân kinh, đầu tiên là phải loại trừ được sự ảnh hưởng của lục căn. Cho nên khi bị Ngộ Không đánh, thằng mừng thì mừng, thằng giận thì giận, thằng thích thì cứ thích, thằng nghĩ cứ nghĩ, thằng lo cứ lo và thằng muốn thì cứ muốn. Giải xong mấy thứ đó vẫn còn chưa đủ, Ngộ Không vẫn còn phải đội thêm vòng kim cô lên đầu để chuyên tâm đi thỉnh kinh. Tâm trí con người cũng như vậy, rất hay bay nhảy, nếu không có gì giúp tập trung kiên trì thì khó mà thành tựu.


Chỉ là một bộ truyện Tây Du Ký mà chứa đựng biết bao nhiêu điều sâu sắc. Mỗi lứa tuổi đọc mỗi khác, đúng là bác đại tinh thâm.


Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page