top of page
Tìm kiếm

NGỘ KHÔNG & TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG - P.3

Đã cập nhật: 18 thg 8, 2020



ĐOẠT GẬY NHƯ Ý

Trải qua một thời gian tu học với Bồ Đề Tổ Sư, Ngộ Không đắc được thần thông. Khi trở về Hoa Quả Sơn, thấy con cháu của mình bị ức hiếp, liền triển khai bản lĩnh đánh bại Hỗn Thế Ma Vương. Vì lo lắng sẽ có kẻ khác đến bắt nạt bầy đàn của mình nên ráo riết tập luyện đao kiếm, trang bị khí giới. Tiềm ẩn trong nỗi sợ hãi là mầm họa của chiến tranh, vì ta có thể đánh được người khác, nên cũng lo sợ ngày nào đó có kẻ khác đánh được ta. Ta nghĩ như vậy, người khác cũng nghĩ giống ta, từ đó dẫn tới việc chạy đua vũ khí mà sinh ra chiến tranh liên miên, đẩy nhiều sinh mạng vào cảnh khốn cùng. Do tâm lý đó, Ngộ Không xuống thủy cung gặp Đông Hải Long Vương để tìm binh khí.


Thời còn non dại đọc tới đoạn Ngộ Không một kẻ không ai biết đến xuống Long Cung một mình lấy đi Đại Hải Thần Châm, lại còn bắt Đông Hải Long Vương phải cho thêm áo, mũ, giày. Thái độ không sợ trời không sợ đất quả là khí thế anh hùng, dũng mãnh vô song rất hợp với tâm lý của những kẻ yếm thế và người trẻ mới lớn, đang trong tuổi thích thể hiện bản thân. Đọc tới đoạn này có đứa bé nào mà không ngưỡng mộ sức mạnh của Ngộ Không, ai cũng tin Ngộ Không là số một. Nhưng rồi sau này sẽ phải hụt hẫng khi Ngộ Không bị đè dưới Ngũ Hành Sơn năm trăm năm. Tài phép là vậy, giỏi giang là vậy, một mình đánh lên trời xanh, làm cả thiên cung phải chấn động cũng có lúc phải thúc thủ. Ngộ Không có thực sự vô địch?


Lớn hơn một chút, đọc kỹ lại thì thấy có quá nhiều điều sai trái trong chi tiết Ngộ Không đoạt lấy Đại Hải Thần Châm (gậy Như Ý), tuổi nhỏ xem phim có thể cảm nhận tuy không rõ ràng lắm vì sự hâm mộ Ngộ Không còn lớn. Tuy nhiên sau này ta sẽ nhận ra, trong cuộc đời không có gì là miễn phí, khi ta dùng sức mạnh đoạt lấy hay ép người khác phải giao nộp tài sản mà không được sự đồng ý của họ là hành động của kẻ cướp. Đấy chính là việc Ngộ Không đã làm sau khi có được thần thông. Từ một kẻ yếu thế, sau khi có quyền năng lại đi bắt nạt người khác. Ngộ Không có thực sự vô địch?


Ngộ Không mới có được bảy mươi hai phép biến hóa đã ngông cuồng lạm dụng quyền năng như vậy, nếu sở hữu nhiều quyền lực hơn thì hậu quả sẽ như thế nào? Trong giáo lý của nhà Phật có đề cập đến cụm từ "cống cao ngã mạn", để chỉ người người cậy mình giàu có, tài giỏi, có quyền hành mà sinh ra kiêu căng, coi thường người khác; như Ngộ Không cậy bản thân có tài phép, trong cuộc chiến đầu tiên với thiên đình đánh thắng Cự Linh Thần, thắng cả Tam Thái Tử Na Tra, tính cao ngạo tự mãn ngày càng gia tăng, sau nghe lời xúi giục của Quỷ Vương tự xưng làm Tề Thiên Đại Thánh. Từ một người tu hành cầu đạo ban đầu, sau lại tự mình xưng là thánh này, thần kia là đã đi lạc đường, sau đó dùng cái chỗ hơn người của mình để làm áp lực ép buộc người khác phải phục tùng. Trong cuộc sống bình thường cũng không ít ví dụ về việc lạm dụng quyền lực, sự độc quyền để làm lợi cho mình và đương nhiên lợi mình thì hại người. Việc đoạt gậy Như Ý của Ngộ Không cũng y như vậy.


Đạo Đức Kinh có câu “thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường”. Người thắng được người khác là có sức mạnh, còn người có thể tự thắng chính mình mới là người thực sự mạnh. Ngộ Không mới ở vế đầu, thắng được người khác nhưng không thắng được tâm ma trong lòng, từ cái sai nhỏ dẫn đến cái sai lớn nên sau này phải gánh hậu quả. Đó cũng chính là nhân quả báo ứng.

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page