top of page
Tìm kiếm

NGỘ KHÔNG & TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG - P.2



CON ĐƯỜNG HỌC ĐẠO

Đọc Tây Du Kí, theo dõi quá trình khỉ đá trở thành vua của bầy khỉ ở Hoa Quả Sơn. Ban đầu, nó còn vui chơi với các loài vật, và đám khỉ, sống không lo nghĩ ung dung tự tại trong rừng. Từ lúc tìm được căn nhà của ai đó bỏ hoang trong động Thủy Liêm, đám khỉ kéo nhau vào, chúng vui thích với các tiện nghi trong căn nhà như bàn ghế, nồi niêu và căn nhà giúp chúng thoát cảnh dãi nắng dầm mưa. Từ đó về sau bầy khỉ không còn quay lại rừng nữa. Đây là thời điểm chúng bắt đầu xa lánh dần thế giới tự nhiên rời bỏ cái vô âu vô lo để chạy theo tiện nghi vật chất, dần dần đánh mất những điều tốt đẹp vốn có, cũng giống như thế giới loài người ngày nay. Con người ngày nay vì chạy theo ham muốn vật chất, cũng tàn phá khai thác cạn kiệt thiên nhiên tạo ra các tiện nghi phục vụ cho những nhu cầu giả tạo của mình.


Bầy khỉ định cư ở động Thủy Liêm, tôn khỉ đá làm Mỹ Hầu Vương, sống ở đó ba trăm năm thì nỗi sợ chết ập đến. Phàm là vua chúa hay kẻ giàu sang ai cũng muốn được trường sinh bất tử, để đời đời kiếp kiếp hưởng đặc quyền đặc lợi. Hầu Vương tuy chỉ là vua của loài khỉ, nhưng vì có trí óc thông minh, nên khi biết phân biệt được thiệt hơn, sướng khổ liền sinh ra ham muốn được trường sinh bất lão giống như vua chúa con người. Chi tiết này giống với một điểm trong Kinh Thánh khi nói về Adam và Eva bị con rắn dụ ăn quả trí tuệ và sau đó bị đuổi khỏi Thiên Đàng. Ở đây là nói về tâm tư của con người, một khi đã có trí khôn phân biệt ra sướng khổ, thiệt hơn thì ai cũng chọn phần sướng, phần hơn cho mình đẩy phần khổ, phần thiệt cho kẻ khác từ đó dẫn đến chia rẽ, tranh giành và tự gây khổ đau cho nhau.


Hầu Vương vì muốn mình và đồng loại thoát khỏi cái chết, nên rời Hoa Quả Sơn lên đường tìm thầy học đạo trường sinh bất tử. Động cơ tuy tư lợi, nhưng Đạo vốn không có sự phân biệt, mọi xuất phát điểm chỉ là phương tiện để dẫn đến mục đích cuối cùng là giải thoát. Chính điều này giúp Hầu Vương vượt qua các khó khăn trên hành trình học đạo. Nếu xem phim, hay đọc truyện tranh minh họa sẽ không có đoạn mô tả quá trình tự học ngoại ngữ của Hầu Vương. Vì là khỉ nhưng muốn học đạo tiên phật, nên hầu vương mặc đồ đóng giả người rồi lân la học ngôn ngữ của con người để giao tiếp và hỏi thăm nơi ở của thầy. Cũng như thời nay, muốn học hỏi nâng cao trình độ nghề nghiệp chúng ta cũng phải học ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Nhật,v.v... rồi cũng đi du học để học điều hay tiến bộ của người xứ khác.


Hành trình tự học ngoại ngữ, lặn lội, băng rừng vượt biển từ Đông Thắng Thần Châu mất chín năm mới gặp được thầy ở Tây Ngưu Hạ Châu. Để tìm ra được chân sư chỉ dẫn cho mình quả rất khó khăn gian khổ và đòi hỏi một sự kiên nhẫn phi thường. Đây là điểm hơn người của Hầu Vương, cũng là điểm vượt trội không những ở thời xưa mà cho tới tận bây giờ. Chân nhân bất lộ tướng, chân sư hiếm khi ở nơi đông người, Hầu Vương đi mãi cho đến khi tới một nơi rừng cao, núi thẳm, cây cối sum suê, hoa nở xinh đẹp tự nhủ thầm chắc chắn đây là nơi ở của Thánh, Thần, Tiên, Phật liền dừng lại đó và cơ duyên đã cho gặp được Bồ Đề Tổ Sư. Có một chi tiết hay trong lúc Hầu Vương cầu thầy thu nhận mình làm đệ tử, khi được Bồ Đề Tổ Sư hỏi tên, Hầu Vương đáp: “Tôi không có danh tánh, nhưng ai rầy tôi không giận, ai đánh tôi không hờn”. Tại sao lại trả lời như vậy, bởi vì Hầu Vương sinh ra từ tảng đá vốn không cha mẹ, không có tên tuổi. Những điều đó ám chỉ trạng thái vô danh vô ngã tức là không có tên tuổi, không có tự tánh, không có phân biệt ta và người khác. Nên người khác có la lối, đánh mắng mà mình không thu gom vào mình thì sẽ không giận hay hờn. Cũng như một đứa trẻ mới sinh ra không biết gì; có la nó, nó cũng không biết; có đánh nó, nó cũng không giận, cao lắm là khóc vì đau. Ở đây là chỗ tự biết mình của Hầu Vương, một điểm hay mà ít ai có được. Nhưng sau khi được thầy đặt tên là Tôn Ngộ Không, thì vô danh biến thành hữu danh; đến khi học được bảy mươi hai phép địa sát thì vô ngã biến thành bản ngã.


Và rồi khi mới chỉ học được thần thông, vẫn chưa đi hết con đường đạo hạnh, khi bản ngã lớn dần lên là lúc rắc rối bắt đầu. Vì không làm chủ được bản thân, tự cho mình hơn người nên Ngộ Không đã biểu diễn phép thuật cho các bạn đồng môn xem giải trí và nhận được sự thán phục của họ. Đó cũng là lý do Bồ Đề Tổ Sư dù rất quý người học trò này, nhưng vẫn phải trục xuất khỏi sư môn. Tại sao Bồ Đề Tổ Sư lại cương quyết như vậy? Bởi vì người thích khoe khoang là tự mời họa tai đến cho mình, vì con người vốn hay đố kỵ, khi Ngộ Không biểu diễn tài phép, cũng là lúc kích hoạt lòng ganh ghét, so bì của những người khác, họ sẽ thấy bất mãn vì tại sao sư phụ chỉ dạy phép cho Ngộ Không mà không dạy cho họ. Họ làm sao hiểu được là mỗi người căn tính, trí tuệ khác nhau và một vị thầy giỏi là người chỉ dạy và hướng dẫn học trò đi trên con đường phù hợp nhất với năng lực của họ. Cái sai của Ngộ Không tưởng là nhỏ nhưng hậu quả hệ lụy rất lớn, cho nên phải nhận lãnh sự trừng phạt của sư phụ, rời khỏi sư môn, và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được nhận mình là đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư, nếu không sẽ bị thu hồi pháp thuật và tính mạng. Kết thúc lần Tây du thứ nhất trên con đường đạo vẫn còn dang dở.


(còn tiếp)


Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page