top of page
Tìm kiếm

TỪ KINH DỊCH ĐẾN ỨNG DỤNG DI ĐỘNG

Trong nhiều năm làm mọt sách, tôi có đọc được một số sách chịu sự ảnh hưởng từ Đạo Đức Kinh của Lão Tử, ví dụ như phương pháp trồng trọt tự nhiên trong “Cuộc cách mạng một cọng rơm” hay “Gieo mầm trên sa mạc” của tác giả Masanobu Fukuoka. Tôi đã cảm thấy rất hứng thú với phương pháp của tác giả cũng như triết lý của ông. Từ đó tôi tìm hiểu thêm về Lão Tử và biết tới Đạo Đức Kinh. Bản Đạo Đức Kinh đầu tiên tôi được đọc là một bản tiếng Anh trên một website, sau đó tôi mua được ở tiệm sách Barnes & Noble một cuốn Tao-Te-Ching.


Đạo Đức Kinh trong tiếng Anh có tên là “Tao-Te-Ching” hay “Dao-De-Jing” là những điều Lão Tử (Lao Tzu) rút ra được từ việc chiêm nghiệm Kinh Dịch (I-Ching) và để lại cho người đời sau cách suy nghĩ và ứng xử trong đời sống con người sao cho hòa hợp với tự nhiên vũ trụ. Từ những tìm hiểu này khiến tôi tò mò muốn hiểu thêm về Kinh Dịch.


Bên Tây Phương có nhiều học giả đã nghiên cứu triết học phương Đông và những thứ liên quan đến Kinh Dịch từ khá lâu. Ngược lại, triết học trong nước thời hậu giải phóng được dạy cho học sinh, sinh viên rất nghèo nàn và bị xem nhẹ cũng như các môn lịch sử hay văn hóa, nghệ thuật khác. Tuy nhiên gần đây, chúng ta may mắn có thể tìm được nhiều sách hay về các chủ đề triết học, đặc biệt là Kinh Dịch.


Sách về Kinh Dịch trước đây có nhiều, nhưng không phù hợp với những ai muốn học hỏi hay tìm hiểu triết lý của nó, vì đa phần chúng mang hơi hướng mê tín và khó hiểu do các tác giả cố tình sử dụng các thuật ngữ phức tạp. Gần đây có nhiều sách bàn về Kinh Dịch theo hướng khoa học và triết học xuất hiện nhiều, được trình bày với những phần giải thích đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu hơn. Phần lớn sách này là của các học giả thời trước năm 1975. Nhờ có những cuốn sách này mà tôi cũng đã học hỏi được phần căn bản của Kinh Dịch. Sự tò mò là động lực lớn khiến tôi tìm hiểu vấn đề này, do cảm thấy chủ đề này gần gũi với bản thân.

Tôi tìm hiểu Kinh Dịch không phải để biết trước tương lai hay quá khứ, mà để rút ra các triết lý và khái niệm để suy ngẫm và áp dụng vào đời sống công việc hiện tại. Kinh Dịch có tổng cộng 64 quẻ, mỗi quẻ có phần luận giải khá dài, ta khó có thể nhớ hết được. Vì vậy sách luận giải Kinh Dịch không phải là sách để đọc hết một lượt như các sách thông thường. Hôm nào muốn đọc, tôi lại gieo một quẻ và tìm phần luận giải trong sách để đọc.

Để gieo một quẻ bạn phải cần một đồng xu, hoặc cái gì đó có 2 mặt, như vậy cũng hơi phiền phức nên tôi làm một ứng dụng đơn giản hỗ trợ gieo quẻ và tra tên quẻ để bản thân sử dụng. Bản nháp của ứng dụng tôi làm cách đây hơn một năm, chỉ chạy được trên máy tính. Sau một thời gian dài bận rộn làm game Hogvalord, tôi có một khoảng thời gian rảnh rỗi hơn nên thử nâng cấp phần hình ảnh và bỏ lên điện thoại cho tiện sử dụng. Trong ứng dụng tôi chỉ làm hai chức năng mình dùng nhiều nhất, chưa biết sau này có thêm gì nữa không. Những phần giải thích ý nghĩa dựa theo sách đã có quá nhiều ứng dụng khác làm rồi, nên tôi không đưa vào trong ứng dụng của mình, bạn có thể mua sách đọc hoặc tìm thầy giải thích nếu muốn biết thêm.


Trong quá trình làm ứng dụng này tôi cũng đã gặp một số vấn đề như đã chia sẻ ở bài viết trước. Sau một khoảng thời gian chờ đợi, Google đã bật chế độ cho thử nghiệm ứng dụng ở giai đoạn Early Access. Các bạn nào muốn thử nghiệm ứng dụng này thì tải về cho điện thoại Android theo liên kết này hoặc bấm vào đây nếu đang dùng trình duyệt web.

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page