top of page
Tìm kiếm

NGỘ KHÔNG & TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG - P.6



TAM GIỚI BẤT AN DO NHƯ HỎA TRẠCH

Sau khi thoát nạn Kim Giác, Ngân Giác. Thầy trò Đường Tăng lại trực chỉ Tây phương mà dấn bước, vượt bao mưa nắng, dãi dầu gió mưa, đi đã lâu ngày, đằng trước lại có quả núi chặn lối. Tam Tạng trên mình ngựa gọi to: “Đồ đệ ạ! Quả núi kia hình thế hiểm trở, chúng con phải cẩn thận, sợ lại có ma chướng xâm phạm vào thân đấy”. Hành Giả nói: “Sư phụ chớ nên lo nghĩ vẩn vơ, chỉ nên vững tính định thần, tự nhiên vô sự”. Tam Tạng nói: “Đồ đệ à, đường sang Tây Thiên sao mà khó khăn như thế? Nhớ từ khi ta ra khỏi Trường An, dọc đường xuân qua hạ lại, thu tới đông về, kể đã bốn năm năm trời, mà sao vẫn chưa thấy tới nơi?”. Hành Giả nói: “Còn chán! Còn chán! Vẫn chưa ra khỏi cửa lớn kia mà!”. Bát Giới nói: “Anh đừng có nói lòe, cửa nào ở nhân gian mà lớn thế?”. Hành Giả nói: “Người anh em, chúng ta vẫn còn ở trong nhà đi ra”. Sa Tăng cười nói: “Sư huynh nói khoác bịp chúng tôi vừa vừa chứ! Làm cái nhà to thế, thì đào đâu ra xà quá giang mà mua được!”. Hành Giả lại nói: “Người anh em, cứ như lão Tôn thấy thì trời xanh là ngói lợp, mặt trời, mặt trăng là cửa sổ, tứ sơn ngũ nhạc là rường cột, cả trời đất coi như là một tòa nhà to!”. Bát Giới nghe xong nói: “Thôi vậy! Thôi vậy! Chúng ta quay trở về là rảnh chuyện”. Hành Giả nói: “Đừng có bàn nhảm, cứ việc theo lão Tôn lên đường!”.


Nếu chỉ đọc thoáng cho hết truyện, để mong xem tiếp những pha hàng yêu phục ma của Ngộ Không, thì chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều điều thú vị. Cũng như khi xem phim, hoặc đọc truyện tranh, những phần đối đáp, những câu truyện trên đường ẩn chứa nhiều ý nghĩa đã bị lược mất. Tổ tiên ta có câu: “Đi tới nơi, về tới chốn” có ý nhắc nhở chúng ta làm việc gì thì cũng phải hoàn thành công việc mình đề ra dù là việc nhỏ hay việc lớn. Không thiếu những ví dụ về những con người khởi đầu với những hoài bão ước mơ to lớn, khi bàn bạc thì hăng say, lúc bắt tay làm thì bỏ ngang, bỏ dọc. Có khi chưa bắt đầu đã nản lòng. Đừng lo bạn không đơn độc đâu rất nhiều người trên thế giới này cũng gặp phải vấn đề tương tự.


Ngay cả Đường Tăng thực lòng đi thỉnh kinh cũng còn có lúc nản lòng, Bát Giới thì lúc nào gặp hoàn cảnh khó quá liền nghĩ đến việc hoàn tục, Sa Tăng và Bạch Long Mã thì lầm lũi cứ anh em đi đâu thì mình theo đó, duy chỉ có Ngộ Không là kiên cường quả cảm. Người duy nhất trong bốn người luôn giữ vững ý chí cam kết hoàn thành mục tiêu chung của mọi người, dù gặp bất cứ vấn đề khó khăn gì cũng nghĩ cách vượt qua. Có lẽ nhờ vậy mà sau này được Phật Tổ thọ ký (chứng nhận đạt được thành tựu), ban cho danh hiệu Đấu Chiến Thắng Phật.


Quay lại câu truyện trên của bốn thầy trò, khi Đường Tăng hỏi bao giờ mới tới được Tây Thiên, Ngộ Không nói còn lâu vì họ vẫn còn đang ở trong nhà đi ra chưa tới được cửa. Ai cũng tưởng lão Tôn khoác lác, trêu đùa anh em. Kỳ thực theo lý giải của Hành Giả thì cả trái đất như một ngôi nhà to. Nói vậy thì Tây Thiên ở đâu? Có phải là Tây Trúc xứ Ấn Độ không? Nếu là một địa điểm trên trái đất tại sao đi mãi vẫn chưa tới? Nếu nằm ngoài trái đất thì bằng cách nào mà tới được nếu chỉ đi bộ?


Thực ra cách so sánh của Hành Giả rất giống với ví dụ nhà lửa trong kinh Pháp Hoa. Chúng ta thường nghe thấy tám chữ Tam Giới Bất An Do Như Hỏa Trạch, tức là ba cõi không yên nên giống như một căn nhà cháy. Ba cõi là: dục, sắc, vô sắc. Ba cõi này đầy rẫy những nguy hiểm như một căn nhà cháy nên chúng sinh sống trong ba cõi này đều không được yên. Trong ví dụ nhà lửa mà Phật đưa ra, có một ông trưởng giả giàu có, ông có một ngôi nhà rất to có rất nhiều người con sinh sống trong đó. Nhà tuy to nhưng chỉ có một cửa ra vào, gia đình tuy giàu có nhưng căn nhà sau mấy trăm năm không được tu sửa, nên đã dần mục nát. Bỗng một hôm nhà bị cháy, ông trưởng giả đứng ngoài vì thương các con thấy vậy bèn la lên để các con biết nhà cháy mà chạy ra. Nhưng những đứa bé con của ông vì quá ham chơi mà không nghe lời ông, và không muốn chạy ra khỏi căn nhà đang cháy đó, tại vì trong nhà có nhiều đồ chơi và chính chúng cũng tạo ra nhiều đồ chơi ở trong đó. Chúng bị kẹt trong những trò chơi nên khi nhà cháy chúng cũng không biết, khi nghe người ta nói nhà đang cháy chúng cũng không sợ, tại vì chúng mê mệt những trò chơi nhỏ bé của chúng trong căn nhà đang cháy.


Chúng ta cũng như những đứa bé con ông trưởng giả, chúng ta cũng ham chơi những trò làm giám đốc, CEO, vua, quan, tổng bí thư, tổng thống, thủ tướng, chủ tịch nước, hòa thượng, ca sỹ, người mẫu, diễn viên, v.v... Chúng ta ham những món đồ chơi như ô tô, tên lửa, chứng khoán, tiền ảo, v.v... Chúng ta say mê với kế hoạch này, thiết kế nọ, v.v... Trong khi trái đất này, ngôi nhà chung duy nhất của chúng ta đang bị ô nhiễm, động đất, sóng thần, lũ lụt, cháy rừng, thiên tai bạo bệnh, những thứ do chính trò chơi của chúng ta tạo ra mà ta không hay, không biết và vẫn còn thờ ơ, còn thích thú, không chịu từ bỏ những trò chơi đó.


Bởi vậy Hành Giả mới nói là cả đoàn người đi thỉnh kinh còn chưa ra được tới cửa. Đường Tăng thì vẫn còn nhu nhược chưa phân biệt được thật giả, Bát Giới vẫn còn ham ăn tục uống, Sa Tăng và Bạch Mã vẫn còn ù lì không biết tự suy nghĩ. Cho nên đường đến Tây Thiên không phải ở dưới chân, mà nằm trong tâm hồn của mỗi người. Tây Thiên là trạng thái mà tâm hồn con người được giải thoát, nhẹ nhàng và bình yên. Ai ai cũng là con của ông trưởng giả, chỉ cần thấy được nhà mình đang cháy biết nguy hiểm, ngừng chơi và chạy ra ngoài cửa là có thể thoát chết. Ra được tới cửa là đến được Tây Thiên, phương pháp đi thì như Hành Giả đã chỉ cho Đường Tăng, chỉ cần vững tính định thần, tự nhiên vô sự, nghĩa là tự giữ vững tính thiện lương của mình và kiên định tinh thần nhắm mục tiêu là cái cửa lớn giải thoát bản thân mà chạy ra không thay đổi dù có bị bất cứ trò chơi hấp dẫn nào lôi kéo, làm được vậy thì tự nhiên bình yên vô sự. Đôi lúc cũng gặp phải những kẻ bàn ra như Bát Giới thì phải mạnh mẽ quát lên “đừng nói nhảm, cứ việc theo lão Tôn lên đường”.


Tham khảo:

_ Sen Nở Trời Phương Ngoại của thầy Thích Nhất Hạnh (phẩm Thí Dụ)

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page