top of page
Tìm kiếm

SỰ THẬT TRẦN TRỤI VỀ GAME NFT - P2

Đã cập nhật: 15 thg 7, 2022


GAME NFT DÀNH CHO AI?

Bạn có bao giờ tự hỏi tại sao các tựa game NFT lại được dán nhãn “play to earn” (chơi để kiếm tiền)? Đối với tôi cũng bấy nhiêu đó đã đủ để hiểu mục tiêu của các tựa game này là gì và đối tượng nhắm đến của họ là ai. Tôi không phủ nhận nhu cầu tạo ra lợi nhuận từ sản phẩm để trang trải cho chi phí sản xuất và tái đầu tư vào sản phẩm tiếp theo của bất kỳ một nhà sản xuất kinh doanh nào.


Tuy nhiên ở các trò chơi và video game thông thường nó có sự cân bằng trong thiết kế để tạo ra một trải nghiệm đáng nhớ cho người chơi và nhà sản xuất, những người sáng tạo sẽ truyền tải nhiều thông điệp sáng tạo khác nhau của mình tới những người trả tiền cho sản phẩm của họ. Ngược lại, trong trào lưu game NFT, nhãn hiệu “play to earn” thực sự đã truyền tải một thông điệp đánh vào lòng tham của người chơi, họ là những người muốn kiếm tiền, muốn làm giàu. Mục tiêu thực sự của người chơi hệ “play to earn” đơn giản chỉ là ráng cày cuốc trong game để tạo vật phẩm và bán chúng đổi lấy tiền thật. Trải nghiệm của người chơi hệ này hoàn toàn khác so với hệ người chơi “play for fun” (chơi cho vui).


Những người chơi game bình thường không vì mục tiêu kiếm tiền, họ đơn giản là tận hưởng những giây phút thư giãn mà họ có được trong game với các trải nghiệm độc đáo về âm nhạc, hình ảnh nghệ thuật, những câu truyện đầy ý nghĩa mà các nhà thiết kế game đã dày công sáng tạo. Ngoài ra, có những tựa game còn mang lại một số kiến thức về văn hóa, lịch sử, kinh tế, chính trị, v.v... mà sẽ giúp ích cho người chơi “play for fun” trong cuộc sống sinh hoạt đời thường.


Chính vì mục tiêu kiếm tiền và bản chất của công nghệ Blockchain trong việc tạo ra các NFT được sử dụng làm nền tảng chính trong thiết kế game, nên các dự án hay tựa game NFT sẽ có một kết cục chung về tính đơn điệu trong trải nghiệm, điều khác nhau duy nhất chỉ là hình ảnh như chúng ta hay nói là bình cũ rượu mới. Đặc điểm chung dễ nhận thấy trong các game NFT này là thu thập các vật phẩm trong game, hoặc có game sẽ cho người chơi vẽ hay tạo ra một hình ảnh nào đó và gắn chúng vào một NFT (nôm na có thể hiểu là giấy chứng nhận sở hữu tài sản trong game, giấy chứng nhận này không thể bị làm giả). Nhưng trước khi đến được các bước đó bạn sẽ phải trải qua một lô các quy trình đăng ký cực kỳ phức tạp như tạo ví điện tử, đăng ký tài khoản trên một nền tảng blockchain nào đó, v.v... quá nhiều bước đủ để làm nản lòng những ai chỉ muốn chơi game giải trí.


Ngoài ra nếu bạn muốn có những phản hồi tức thời như các tựa game online hiện đại thì xin chia buồn với bạn, quy trình xử lý các giao dịch sử dụng blockchain tiêu tốn nhiều thời gian hơn so với các tựa game online thông thường và nó tạo ra một độ trễ khá lớn. Bên cạnh đó, nhằm hướng đến mục tiêu tạo ra nhiều tài sản ảo độc lạ và duy nhất trong game, nên đồ họa của game sẽ nằm ở mức tối giản nhất có thể vì nó nằm trong ý đồ của nhà sản xuất game và liên quan đến nhiều hạn chế kỹ thuật, nên bạn khó mà mong mình sẽ có được các trải nghiệm choáng ngợp về hình ảnh như các tựa game thông thường. Đây là một điểm trừ nữa đối với người chơi bình thường hay những người chơi game kỳ cựu (hardcore gamer).



Ngoài ra chi phí để bắt đầu chơi một tựa game NFT có hình ảnh bèo nhèo với một mức giá cắt cổ cũng là rào cản lớn đối với nhiều người. Hãy tưởng tượng với số tiền đó bạn có thể mua rất nhiều tựa game chất lượng AAA với hàng trăm giờ trải nghiệm trong những thế giới bao la rộng lớn tuyệt đẹp cùng với những người bạn của mình, và thưởng thức những câu chuyện khung hình đậm chất nghệ thuật như Ghost of Tsushima hay God of War, hoặc Final Fantasy 7 remake.


Cho nên tôi xin nhấn mạnh động cơ chính của người chơi hệ “play to earn” chỉ có một đích đến là kiếm tiền, thu giữ vật phẩm đầu cơ chờ ngày lên giá và bán kiếm lời. Những người này mới chính là tập khách hàng mục tiêu của các tựa game NFT.


(Còn tiếp)

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page