top of page
Tìm kiếm

ĐIỂM MÙ CỦA SỰ VẮNG MẶT



Có những thực tế và sự thật vẫn không ngưng tồn tại cho dù chúng bị bỏ qua. - Aldous Huxley

Có một thực tế là loài người gặp khó khăn trong việc nhận ra sự tồn tại của một điều gì đó. Ví dụ bạn là một lập trình viên rất giỏi, tất cả những tính năng của ứng dụng giao cho bạn đều được bạn hoàn thành tốt và nhanh. Mọi công việc từ dễ đến khó đều được bạn hoàn thành một cách dễ dàng. Đến khi đánh giá kết quả công việc, cấp trên của bạn lại không đánh giá bạn cao như đồng nghiệp khác. Trong khi cách họ hoàn thành công việc lại không được suôn sẻ như bạn cho dù đó là nhiệm vụ dễ như ăn cháo. Họ trầy trật từ ngày này sang ngày khác, họ than thở về khó khăn, trở ngại này kia, cuối cùng họ cũng hoàn thành được nhiệm vụ và cấp trên đánh giá năng lực của họ cao hơn bạn.


Một ví dụ khác về một người quản lý giỏi, đó là phương pháp và cách làm của họ là ngăn chặn các vấn đề trước khi nó xảy ra. Để ngăn chặn các tình huống và vấn đề tồi tệ trước khi nó xảy ra cho tập thể, công ty hoặc quốc gia là một điều rất khó. Người quản lý đó phải có một tầm nhìn xa, bao quát được nhiều khía cạnh. Cho nên cách họ làm, và xử lý công việc tạo cho chúng ta cảm giác rằng họ chẳng làm được gì tuy nhiên công việc vẫn được hoàn thành đúng thời hạn tiến độ và tiết kiệm được nhiều chi phí, mang lại nhiều lợi ích cho tập thể.


Vấn đề ở đây chính là không ai có thể nhìn thấy được những điều tệ hại mà một người quản lý hoặc lãnh đạo giỏi đã ngăn ngừa nó không xảy ra. Những người điều hành kém cỏi thực sự thường sẽ được khen thưởng, bởi vì đa số mọi người thấy được quá trình công việc của họ một cách kịch tính, cách họ vất vả để hoàn thành hay xử lý sự cố mà chính họ đã tạo ra vì sự kém cỏi của mình.


Chúng ta nên ghi nhớ điều này để có những phần thưởng hay ghi nhận xứng đáng đối với những người điều hành có ít kịch tính, những người âm thầm xử lý và hoàn thành công việc một cách hiệu quả. Dường như công việc của họ không có gì khó khăn, nhưng bạn sẽ nhớ họ khi họ ra đi.


Du hề kỳ quý ngôn. Công thành sự toại, Bách tánh giai vị ngã tự nhiên (Bậc thánh xưa quý lời nói Làm xong công việc cho dân, Mà dân cứ tưởng "tự nhiên tự mình làm") - Lão Tử

Có rất nhiều ví dụ về điểm mù của sự vắng mặt trong cuộc sống. Một ví dụ khác là những bộ phim kịch tính của Hàn Quốc, thường khai thác rất tốt hình tượng nhân vật chính là một công tử con của chủ tịch tập đoàn lớn, bất tài, lêu lổng ăn chơi sau đó gặp tiếng sét ái tình rồi từ từ trở nên tốt hơn, giỏi hơn, xử lý được nhiều khó khăn bằng cách bất ngờ, và được nhiều người ủng hộ. Trong khi một người con khác thầm lặng cống hiến năm này sang tháng khác, lúc nào cũng tốt, khán giả sẽ ít quan tâm, vì không ai thấy được sự thay đổi kịch tính, cảm giác như nhân vật đó không đóng góp được gì. Và những người có khả năng tốt, điềm đạm như vậy lại thường là nhân vật phụ, ít được sự quan tâm hoặc hay vấp phải sự ghét bỏ của đám đông ngu ngốc.


Điểm mù của sự vắng mặt chính là sự thiên vị về nhận thức, nó ngăn cản chúng ta xác định những gì chúng ta không thể trông thấy. Các chức năng tri giác của chúng ta đã phát triển để nhận dạng những vật thể hiện diện trong môi trường. Cho nên rất khó để con người chú ý hoặc xác định những gì đang vắng mặt. Có những thứ tồn tại nhưng chúng ta không nhận ra vì giới hạn chức năng của các giác quan hiện tại.


Điểm mù của sự vắng mặt gây cho ta cảm giác khó chịu khi “không làm gì” nếu có một việc tồi tệ xảy ra, ngay cả khi “không làm gì” lại chính là giải pháp tốt nhất cho tình huống đó. Thông thường, cách tốt nhất chính là lựa chọn không hành động, nhưng điều đó lại rất khó cho con người chấp nhận nó về mặt cảm xúc.


Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page