top of page
Tìm kiếm

TỰ DO HAY NÔ LỆ? NGHỊCH LÝ CỦA STARTUP


Tôi muốn viết một bài về chủ đề này cũng khá lâu rồi, nhưng vì chưa đủ hứng thú cho nên đến hôm nay mới đặt tay lên phím mà viết ra một số suy nghĩ chủ quan của bản thân.


Nhớ lại nhiều năm trước, khi tôi đang trong độ tuổi hai mươi còn hăng hái và ngây thơ, lúc đó hai chữ khởi nghiệp hay startup còn mới mẻ với nhiều người trẻ tuổi ở Việt Nam vì chưa có nhiều báo đài đề cập tới, tôi hình dung trong đầu mình “khởi nghiệp” (startup) ngầm chứa trong nó là sự tự do, được thoải mái sáng tạo xây dựng sản phẩm, hiện thực hóa ý tưởng của riêng mình. Một chân trời và tương lai tươi sáng sẽ hiện ra trong tâm trí khi mình hoàn thành được sản phẩm mong muốn. Đó là viễn cảnh mà bất cứ người trẻ tuổi nào cũng sẽ cảm nhận được khi nghĩ về cụm từ khởi nghiệp hay startup.


Dần dần hai chữ đó xuất hiện ngày càng nhiều trên mặt báo, tivi và trở thành những phong trào, nhãn mác nghe rất ngầu, biểu tượng của thành công và khác biệt mặc dù thực tế không phải vậy. Đúng là chiếc áo không bao giờ làm nên thầy tu. Ban đầu từ thích thú với ý tưởng khởi nghiệp, tôi bắt đầu cảm thấy chán khi đâu đâu cũng nghe khởi nghiệp, ý tưởng triệu đô, thiên thần thổi nến, tài năng đọc lệnh, v.v... Nếu ai đã từng nghe các công ty đa cấp rao giảng về hệ thống của họ, thì tôi cũng bắt đầu có cảm giác tương tự khi nghe những thứ liên quan đến startup, đến khởi nghiệp, những mô hình và cỗ máy đẻ ra tiền. Trong đầu tôi không còn thấy hình ảnh của tự do khi nghe đến startup hay khởi nghiệp nữa, mà tôi chỉ thấy sự tham lam được khuếch đại. Ý nghĩa ban đầu về việc được tự do xây dựng một sản phẩm hay dịch vụ chất lượng cao và giá cả phù hợp cho đại bộ phận dân chúng mà tôi hình dung trước kia dần dần nhạt phai.


Năm tháng trôi qua, các chuyên gia khởi nghiệp xuất hiện ngày càng nhiều, sách dạy khởi nghiệp, game show khởi nghiệp, v.v... Rất nhiều bí kíp, phương pháp để gọi vốn vòng A, B, C, v.v... bất kỳ đội nhóm khởi nghiệp nào cũng thấm nhuần phương pháp gọi vốn với những mô hình thống trị thị trường, đốt tiền đầu tư để xây dựng một nền tảng lớn nhằm thâu tóm toàn bộ thị trường và khách hàng. Điều đó có nghĩa là về cơ bản họ muốn hướng đến sự độc quyền. Không nhiều người hiểu được rằng, ban đầu có vẻ như những người dùng hay khách hàng của họ được lợi nhờ chính sách đốt tiền thâu tóm thị trường nhưng khi mô hình của họ thành công thì chính những khách hàng đó sẽ không còn quyền được lựa chọn những dịch vụ hay sản phẩm với mức giá tốt vì lúc này trên thị trường không còn công ty nào đủ sức mạnh cạnh tranh với họ nữa và khách hàng phải chấp nhận bất cứ mức giá nào mà họ đưa ra nếu muốn sử dụng sản phẩm hay dịch vụ đó. Đó chính là thời điểm mà sự tự do của người tiêu dùng bị tước đoạt. Đó là nói về khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ.


Còn về những người khởi nghiệp thì sao, bản thân họ cũng sẽ không còn nhiều sự tự do khi bất cứ hướng đi nào mà họ lựa chọn đều phải ưu tiên thỏa mãn lợi ích của đám đông nhà đầu tư, những người đã hỗ trợ cho họ tiền vốn để thực hiện kế hoạch khởi nghiệp năm năm hay bảy năm. Có một điều khá buồn cười và có vẻ bản thân tôi hơi ngu khi phải mất một thời gian tôi mới nhận ra “tiền đầu tư” và “tiền vay mượn” về bản chất là hoàn toàn giống nhau. Nó chỉ khác là người cho bạn vay tiền là ai và mức độ hỗ trợ hay can thiệp của họ vào những quyết định đối với doanh nghiệp mà bạn đang xây dựng. Sự tự do của bạn sẽ bị tước đoạt khi bạn đồng ý cầm và sử dụng số tiền đó, bạn sẽ không còn được bay bổng với những ý tưởng của mình nữa, áp lực kiếm lời đè nặng lên trí óc của bạn mỗi ngày vì bạn phải tạo ra lợi nhuận để hoàn vốn và một số dư đủ lớn cho bản thân và trả lãi cho những người đã cho bạn vay tiền.


Tham vọng khởi nghiệp và thống trị của bạn càng lớn thì bạn sẽ cần một số tiền vốn cũng lớn tương đương như vậy, để doanh nghiệp tồn tại bạn phải biết cách đáp ứng và chiều lòng những mong đợi của rất nhiều nhà đầu tư. Dần dần bạn sẽ nhận ra bản thân đã trở thành nô lệ cho chính những ước muốn và tham vọng của mình trước cả khi mà nó bắt đầu.

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page