top of page
Tìm kiếm

Phương pháp sáng tác truyện game



Mục tiêu của bài viết này là để ghi nhận lại và chia sẻ phương pháp sáng tác truyện mà tôi tự học thông qua quá trình làm game của mình. Tuy tôi không phải người giỏi viết lách và được học bài bản về sáng tác văn học hay viết truyện, nhưng nhờ tham khảo học hỏi từ một số bài viết về cách viết truyện và một số clip trên youtube kết hợp với kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm game đã giúp tôi đúc kết ra các bước sáng tác truyện cho game như dưới đây.


1. Xác định thông điệp chủ đạo

Thông điệp tác giả muốn truyền tải đến độc giả là khởi nguồn của toàn bộ nội dung tác phẩm cho dù đó là tiểu thuyết văn học, truyện tranh, sách báo hay truyện cho game. Sản phẩm video game có một đặc tính giống với các sản phẩm văn học ở chỗ nó cũng chứa đựng một thông điệp để truyền tải đến người chơi thông qua câu truyện bên trong nó. Tuy hình thức thể hiện là một sản phẩm nội dung số và cách mọi người hấp thụ nội dung đó khác sản phẩm văn hóa truyền thống nhưng về bản chất vẫn là một món ăn tinh thần. Món ăn tinh thần hay món ăn vật chất đều có những thứ tốt và những thứ độc hại hoặc có những thứ giải trí đơn thuần không tốt cũng không hại. Cho nên định hướng thông điệp, nội dung game như thế nào là tùy thuộc vào người sáng tạo, và bước đầu tiên để sáng tác truyện cho game là lựa chọn một thông điệp mà tác giả muốn gửi đến độc giả và những người sẽ hấp thụ nội dung sản phẩm của mình.


2. Xây dựng bối cảnh thế giới

Sau khi đã tìm được thông điệp muốn truyền tải, chúng ta đi đến bước thứ hai xác định hoặc tạo lập bối cảnh thế giới có thể là về thế giới thực, hoặc các thế giới giả tưởng hay ngoài hành tinh. Chúng ta nên xác lập thêm các quy luật trong thế giới đó, nếu đó là thế giới giả tưởng, tốt nhất nên phác họa ra một bản đồ để dễ hình dung. Sau khi đã có bản đồ, ta tiến hành phác thảo ra các chủng loài, hoặc dân tộc, các vùng lãnh thổ của từng loài, mối quan hệ tương tác hoặc xung đột giữa các loài v.v… Lấy ví dụ là truyện Harry Porter có bối cảnh là thế giới phù thủy, các quy tắc mà một phù thủy phải tuân theo, sự xung đột giữa phe Ánh Sáng và Hắc Ám, v.v… Nếu sâu sắc hơn thì chúng ta có thể phác thảo lịch sử của thế giới giả tưởng đó, sau đó xây dựng câu chuyện của mình trên nền tảng các phần thiết lập về thế giới mà ta đã tưởng tượng ra.


3. Thiết kế nhân vật

Một câu chuyện không thể thiếu các nhân vật. Nhân vật được chia thành hai loại bao gồm nhân vật chính hoặc nhóm nhân vật chính và các nhân vật hỗ trợ. Thông qua sự tương tác giữa các nhân vật, cách mà các nhân vật nhận thức về thế giới họ đang sống sẽ tạo ra được câu chuyện giúp truyền tải thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm thường nằm trong các lời thoại của nhân vật, hoặc trong cách mà các nhân vật xử lý để vượt qua các thử thách. Khác với dòng văn học truyền thống, khi sáng tác truyện cho game sẽ không có kiểu viết tự sự ở ngôi thứ nhất thậm chí nhân vật chính trong game từ đầu cho đến cuối có thể không nói một lời nào, nhưng thông qua các khó khăn thử thách và sự tương tác với các nhân vật khác, người chơi sẽ hiểu được mối tương quan giữa nhân vật chính với thế giới xung quanh và thông điệp của người viết muốn gửi đến mình. Vì game là một sản phẩm mang nặng tính tương tác, nên nhiều khi phần câu chuyện trong game không được chú trọng lắm và có những câu chuyện hời hợt được xây dựng cho có nên không để lại ấn tượng sâu sắc đối với người chơi. Để xây dựng nhân vật, bước đầu ta sẽ xây dựng hồ sơ tiểu sử cho từng nhân vật bao gồm các chi tiết như tính cách, độ tuổi, chủng tộc, nghề nghiệp, v.v… Sau đó xây dựng bản đồ mối quan hệ giữa các nhân vật như yêu, ghét, thù, hận, v.v… Tốt hơn nữa thì có thể miêu tả nguyên nhân của các mối quan hệ này.


4. Xây dựng hành trình phiêu lưu

Sau khi tạo lập được bản đồ thế giới, và bản đồ các nhân vật, ta chuyển qua bước thiết kế hành trình phiêu lưu của nhân vật. Cũng giống như ta tìm đường đi trên bản đồ để đi từ A đến B, cuộc phiêu lưu của nhân vật cũng có điểm bắt đầu và điểm kết thúc. Hành trình từ điểm đi và điểm đến sẽ có những nút thắt và ngã rẽ. Các nút thắt và ngã rẽ này có thể là những tình huống khó khăn hay thuận lợi, nhân vật chính sẽ tiếp xúc với các nhân vật khác. Trong mỗi giai đoạn này nhân vật sẽ có các cảm xúc, diễn biến tâm lý, cách xử lý vấn đề khác nhau sẽ do tác giả quyết định. Ở phần này, tôi muốn nói thêm về sự khác biệt giữa truyện game và truyện văn học là ở phần khởi đầu của truyện game người chơi sẽ được chọn nhân vật chính theo ý thích của mình, và phần kết thúc của câu truyện game có khi sẽ có nhiều hơn một kết thúc và những kết thúc này nó xảy ra do các chọn lựa của người chơi ở đoạn giữa của cuộc phiêu lưu. Sự độc đáo khi sáng tác truyện game là như vậy, ta có thể có nhiều kết thúc cho câu chuyện của mình thay vì một kết cục như tác phẩm văn học thông thường.


5. Chi tiết hóa nội dung

Hoàn thành bốn bước kể trên, coi như đã có được một dàn bài tổng quan cho câu chuyện, ta bắt đầu bước thứ năm để chi tiết hóa nội dung câu chuyện thông qua phần hội thoại của các nhân vật. Ở phần này đòi hỏi kỹ năng viết lách sử dụng từ ngữ cho tương xứng với các nhân vật và bối cảnh đã được phác thảo bên trên. Nếu là truyện văn học truyền thống, tác giả sẽ sử dụng bút pháp miêu tả diễn biến câu chuyện bằng ngôn ngữ tả cảnh, thời gian, miêu tả sắc thái không gian, tâm trạng cảm xúc, sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, so sánh, v.v… để kết nối và dẫn dắt nhân vật chính đi qua các nút thắt trong hành trình phiêu lưu của mình. Trái lại các nhà phát triển game sẽ thiết kế các nhiệm vụ mà người chơi phải hoàn thành và sử dụng những đoạn cut-scene (cắt cảnh) để dẫn dắt câu chuyện. Các nhân vật chính trong văn chương truyền thống nhiều khi là những kẻ lắm lời, hoạt ngôn. Đối với game, nhân vật chính lại là kẻ ít nói nhất. Có thể nói nhân vật chính trong văn học truyền thống thiên về động, còn trong game thiên về tịnh vì phần động đã có người chơi đảm nhiệm.


6. Đánh bóng nội dung

Đây là bước cuối cùng, sau khi hoàn thành câu chuyện, tác giả quay lại xem xét một lượt và thay đổi từ ngữ, sửa lại câu chữ, chính tả, ngữ pháp cho hay hơn, mượt hơn để nâng cao giá trị văn học nghệ thuật. Thật ra toàn bộ quá trình viết, sáng tạo ra câu chuyện đã là một quá trình làm nên tính chất nghệ thuật của tác phẩm. Việc thay đổi, sửa chữa câu từ chỉ để thể hiện sự tận tâm hết lòng của tác giả đối với tác phẩm của mình và tôn trọng độc giả.


NGUỒN THAM KHẢO


Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page