top of page
Tìm kiếm

NGỘ KHÔNG & TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG - P8



VÒNG KIM CÔ

Trong tất cả loài vật, khỉ là loài gần giống người nhất, và đặc biệt là giống với con người thời thượng cổ lúc còn chưa có tiến hóa văn minh, còn ăn lông ở lỗ, sống đời sơ khai mộc mạc. Hình ảnh của Tôn Ngộ Không, về bản chất sơ sinh là một con thạch hầu, khỉ đá. Đó là cái bề ngoài, nhưng trải qua một cuộc hành trình dài hàng trăm năm, từ hầu vương, trở thành yêu hầu, thành đại thánh, cuối cùng là thành Phật. Tác giả Ngô Thừa Ân đã mượn con khỉ đá, Ngộ Không, làm hình ảnh ẩn dụ nói về con người và con đường tiến hóa phát triển về tinh thần mà một con người sẽ trải qua.


Con đường phát triển vật chất có thể biến hóa thiên hình vạn trạng, nhưng con đường tiến hóa về tinh thần duy chỉ có một, cho dù có gọi nó dưới bất cứ tên gọi hay ngôn ngữ, hình thức nào thì cũng chỉ có một đường duy nhất. Phát triển về vật chất là phát triển cái bên ngoài, phát triển tinh thần là phát triển cái bên trong. Dương là ngoại, âm là nội. Âm và Dương hòa thành một thể chính là Thái Cực. Con người chứa đựng hai yếu tố Âm và Dương, cho nên hiểu theo cách hạn hẹp, một người cũng chính là một Thái Cực. Thái Cực vận hành tốt đẹp là lúc người đó có mức độ phát triển hài hòa, tương đối cân bằng về vật chất và tinh thần. Hai yếu tố này song hành cùng nhau, không có cái nào triệt tiêu cái còn lại mà sẽ thay phiên nhau nắm vai trò dẫn dắt.


Quá trình phát triển của khỉ đá Ngộ Không, cũng diễn ra theo quy luật Âm Dương, lúc mới thành hình và sinh ra gọi là giai đoạn Dương sinh. Như một em bé, ăn ngủ, sinh hoạt theo bản năng. Bản tánh ham sống, sợ chết luôn luôn có sẵn trong bất cứ sinh vật nào dù là con khỉ hay con người. Từ cái ham muốn đơn sơ đó, nên Ngộ Không đi học phương pháp của thần tiên để có thể sống lâu không chết. Chúng ta đừng vội chế nhạo con khỉ ngây thơ, vì đây cũng chính là suy nghĩ của một trong những hoàng đế vĩ đại trong lịch sử Trung Hoa. Đây là câu chuyện bắt nguồn từ thời Tần Thủy Hoàng, sau khi nắm quyền lực tuyệt đối trong tay, muốn sống lâu hơn để tận hưởng quyền uy của mình nên sai đạo sỹ Từ Phúc đi tìm phương thuốc trường sinh bất lão. Thuốc trường sinh bất lão đương nhiên không có, và Tần Thủy Hoàng cũng chết như bao con người khác trên trái đất. Tất cả những thứ luyện đan, đơn dược ngày xưa và các phương pháp chống lão hóa kéo dài tuổi thọ ngày nay đều giống nhau về việc chống lại quy luật tự nhiên. Cho dù biết đó là việc không thể người ta vẫn cứ bị ám ảnh bởi những suy nghĩ sai lầm này.


Cái phương pháp sống lâu không chết mà các vị thần tiên đạt được không phải là cái bất hoại của xác thân con người mà là cái tinh thần bất tử, giải thoát khỏi mọi nỗi sợ hãi vướng chấp trong suy nghĩ và tư tưởng. Phương pháp của thần tiên là phương pháp hướng nội, đi sâu vào bên trong nội tâm tinh thần. Con khỉ Ngộ Không đăng ký nhập học lớp của tổ sư Bồ Đề ban đầu cũng chưa hiểu được điều này, cũng chạy theo cái học bên ngoài, vì có tư chất tốt nên được thầy dạy cho bảy mươi hai phép thuật biến hóa. Phép thuật biến hóa vốn không phải là phép trường sinh bất tử chỉ là cái học về bên ngoài nhưng sự thần kỳ của nó cũng đủ khiến Ngộ Không và các bạn đồng môn ham mê, thích thú. Việc này cũng giống con người thời nay thích chạy theo các phát minh khoa học, hưởng thụ vật chất bên ngoài. Nhiều nơi trên thế giới, trình độ nhận thức rất thấp kém, nhưng trình độ ăn chơi đua đòi hưởng thụ lại không hề thua ai.


Thời kỳ mới học đạo này của Ngộ Không, cái suy tư bên trong, tư tưởng nhận thức chưa trưởng thành đầy đủ nhưng cơ duyên đưa đẩy đến việc sở hữu một sức mạnh lớn, cho nên gây họa làm trời long đất lở là chuyện không thể tránh khỏi. Trong thế chiến thứ hai, chúng ta cũng được biết đến một sự kiện các nhà khoa học chế tạo thành công bom nguyên tử và dẫn đến cái chết của vô số người khi hai quả bom này được thả xuống Nhật. Kể từ đó người ta chạy đua vũ trang, thi nhau sở hữu loại sức mạnh khủng khiếp này. Giả sử trong một lúc nào đó, họ không chế ngự được tính háo thắng của mình trái đất chắc sẽ thành tro bụi. Có khác nào việc Ngộ Không lạm dụng sức mạnh của mình, làm mưa làm gió, náo loạn thiên cung.


Ngoài cái lòng ham sống sợ chết, ít nhiều có sẵn trong tâm tánh mọi loài, Ngộ Không còn có hai cái tham khác mà những con người thông minh, có tài năng, thực lực cũng thường có đó là cái tánh ham danh, ham lợi. Cái tánh tham này là một trong những nguyên nhân Ngộ Không đồng ý nhậm chức Bật Mã Ôn, nhưng chưa dừng ở đó cái tánh ngạo mạn dễ nổi nóng của kẻ nắm giữ sức mạnh sao cam tâm chịu sự sai khiến của người khác. Kết hợp của tham lam, ngạo mạn đẩy Ngộ Không tới cảnh chịu phạt năm trăm năm dưới Ngũ Hành Sơn. Một con người sở hữu quá nhiều sức mạnh và quyền lực bên ngoài nhưng lại thiếu thốn sức mạnh nội tâm để kiềm chế hành động của bản thân sẽ làm người ta sa đọa, tha hóa vì quá say mê quyền lực, vật chất. Cho nên sau khi mãn hạn giam giữ, Ngộ Không được cho đeo vòng Kim Cô, là phát minh sáng chế tối thượng của các vị Phật và Bồ Tát để đảm bảo không có việc đáng tiếc xảy ra. Vòng Kim Cô giúp Tam Tạng khống chế hành vi của tên đệ tử ngông cuồng sở hữu sức mạnh khủng khiếp như Ngộ Không. Không chỉ có Ngộ Không mới phải đeo vòng Kim Cô, mà còn có các yêu quái khác cũng phải đeo vòng này như Hồng Hài Nhi, v.v... Chính nhờ đeo vòng Kim Cô mà bất kể là đại ma vương hô mưa gọi gió, có tài năng, sức mạnh quỷ khốc thần sầu nào cũng sẽ quay đầu hướng thiện làm lành lánh dữ một lòng theo Phật tu hành để đạt thành chánh quả.


Vòng Kim Cô là hình ảnh tượng trưng cho Giới, Định và Huệ. Ngộ Không nói riêng, hay con người nói chung trong kiếp sống của mình trải qua rất nhiều cảnh khốn khổ khác nhau, không ai giống ai nhưng chúng đều có chung một nguồn gốc. Cái khổ đó gây ra bởi ba loại độc: Tham, Sân, Si. Ngộ Không có cái Tham danh Tham lợi, có cái Sân là cái nóng giận không kiềm chế được bản thân nếu không đạt được cái mình muốn, có cái Si chính là nhận ra mình có sức mạnh, quyền lực khuynh đảo và say mê sử dụng nó một cách bừa bãi. Cho nên để kết thúc sự khổ ải không dừng này, Ngộ Không phải đeo vòng Kim Cô trong quá trình thỉnh kinh kéo dài nhiều năm tháng. Ban đầu bản tính của Ngộ Không vẫn còn chưa thuần, nên Tam Tạng phải kích hoạt vòng Kim Cô nhiều lần bằng chú khẩn cô nhi. Càng gần đến ngày thành chánh quả, ta chẳng mấy khi thấy Tam Tạng niệm chú nữa. Tuy không nói rõ trong Tây Du Ký, nhưng hành trinh đeo vòng Kim Cô này của Ngộ Không cũng chính là phương pháp tu luyện bền bỉ kéo dài nhiều năm tháng.


Chúng ta không thể triệt tiêu được Tham, Sân, Si vì vốn dĩ sinh ra là đã có sẵn. Nhưng đeo vòng Kim Cô chính là giúp chuyển hóa Tham, Sân, Si bằng Giới, Định, Huệ. Giới tức là giới hạn (trong Phật đạo thì đó là ngũ giới), tự đặt ra một ranh giới cho bản thân không để nó đi quá trớn và phải kiên Định dừng lại mỗi lần bản thân muốn vượt ra khỏi ranh giới phạm vi đó. Khi quyết tâm dừng lại, kiềm chế các hành động do Tham, Sân, Si sai khiến tự nhiên chúng ta sẽ có thời gian để suy nghĩ về nguyên nhân và hậu quả sẽ xảy ra từ đó giúp nhận ra đâu là hành động đúng đắn hay sai trái, đó chính là Huệ, một loại trí tuệ sinh ra khi con người làm chủ được bản thân mình.


Không có một cuộc chiến nào khó khăn bằng cuộc chiến với chính bản thân mình, bởi vì nó đến từ bên trong tư tưởng suy nghĩ, khi đứng trước các quyết định người ta thường chọn cái dễ thay vì cái khó. Dễ là sự lựa chọn nuông chiều bản thân xuôi theo ham muốn dục vọng. Khó là chọn lựa làm điều đúng đắn, không chiều ham muốn dễ dãi của bản thân. Ví dụ như muốn giảm cân thì phải giảm ăn, nhưng mấy ai kiềm chế được cái sự thèm ăn của mình, đứng trước hàng loạt quảng cáo đồ ăn màu sắc mùi vị hấp dẫn càng làm cho cuộc đấu tranh nội tâm trở nên cam go hơn. Bởi vậy quá trình tu luyện sửa chữa bản thân của Ngộ Không là một hành trình dài đầy cam go thử thách, cần nhiều sự kiên trì cho đến cuối cùng được Phật Tổ Như Lai ấn chứng và ban cho danh hiệu Đấu Chiến Thắng Phật. Đấu Chiến Thắng Phật không phải danh hiệu tưởng thưởng cho số yêu quái bị Ngộ Không thu phục, nó không phải tấm bằng chứng nhận sức mạnh của Ngộ Không, mà đó là một sự xác nhận cho một linh hồn con người trở thành Phật khi chiến thắng chính bản thân mình.

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page