top of page
Tìm kiếm

NGƯỜI HÙNG HAY TỘI ĐỒ? NGHỊCH LÝ STARTUP

Đã cập nhật: 15 thg 10, 2021


Thay đổi thế giới, bạn chắc chắn đã nghe cụm từ này rất nhiều khi tiếp cận với thế giới startup, khởi nghiệp. Ý nghĩ đó giống một kiểu thôi miên ám thị mà nhiều hãng báo chí từ Bussiness Insider cho tới Forbes, v.v... lặp đi lặp lại nhiều lần khi nói về bất kỳ một công ty công nghệ khởi nghiệp thành công trong việc huy động triệu triệu đô tiền đầu tư. Những cụm từ hoa mỹ như kỳ lân công nghệ, tỷ phú tự thân, từ hai bàn tay trắng mà xây được cả cơ ngơi to lớn khi tuổi đời chỉ vừa mười tám đôi mươi xuất hiện nhiều lần bên cạnh những viễn cảnh to lớn mà họ có thể mang lại cho nhân loại.


Tất cả những thứ đó dội vào đầu bất cứ ai ngây thơ và hoài bão những ảo tưởng viễn vông. Có thể nói góp phần tạo nên sự hoang tưởng và những ước mơ giàu nhanh đổi đời, giải cứu thế giới chính là nhờ sự đóng góp to lớn của hệ thống truyền thông và mạng xã hội. Bạn được nghe nhiều mẫu chuyện thành công, có thể thật có thể giả, nhưng tất cả chỉ là con số cực kỳ nhỏ bé khi so với hàng trăm, hàng triệu người thất bại trong kinh doanh phải phá sản, đôi khi phải tự treo cổ hay nhảy lầu vì không đủ khả năng trả khoản nợ đã vay để đầu tư vào công ty hay doanh nghiệp của họ.


Những công ty lớn trên thế giới như Google, Facebook, khi bắt đầu thực ra chẳng có mục tiêu nào to lớn vĩ đại như giải cứu thế giới hay cứu rỗi nhân loại. Họ đơn giản chỉ là theo đuổi một giải pháp nào đó để giải quyết vấn đề cá nhân hay nhu cầu nào đó của một nhóm người trong xã hội. Những nhãn mác như người hùng công nghệ này nọ toàn bộ là hư danh do cánh truyền thông báo chí dựng lên, và chính bản thân những công ty đó cũng thuê người viết lên câu chuyện thần kỳ về chính mình để đánh bóng tên tuổi công ty, bán các ấn phẩm, tăng giá trị kỳ vọng cho cổ phiếu của họ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Những người sáng lập của mỗi công ty đều bắt đầu xây dựng doanh nghiệp của mình như một người hùng trẻ tuổi chống lại các công ty tập đoàn lớn xấu xa trên thị trường để mang lại công bằng, lợi ích cho người dùng.


Quy tắc ban đầu của Google là “Don’t be Evil” (không xấu xa) khi nó bắt đầu từ con số không, thời gian trôi qua cùng với sự bành trướng về quy mô của mình, Google đã tự phá vỡ quy tắc đó. Facebook từng là một nơi để kết nối mọi người, một nơi để bất cứ ai cũng có thể tự do nói lên ý kiến của mình nhưng khi nó trở thành nền tảng mạng xã hội lớn nhất thế giới thì nó lại dùng chính sức mạnh công nghệ của mình để bịt miệng tất cả những ai nói những điều mà Facebook không thích, hàng triệu thông tin của người dùng bị rò rỉ và bán cho các công ty phân tích dữ liệu và quảng cáo kích thích tiêu dùng. Những người sáng lập khi xưa với những hoài bão và động cơ trong sáng dần trở nên xấu xa vì họ cũng đủ thông minh khi nhận thấy được số tiền khổng lồ mà họ sẽ có trong tay nếu hợp tác và đáp ứng các yêu cầu của những quỹ đầu tư xảo quyệt.


Nhìn vào hai ví dụ trên chúng ta sẽ phải tự hỏi mình rằng liệu các công ty khởi nghiệp công nghệ hay startup có thực sự là người hùng như chúng ta vẫn tin là như vậy? Những vấn đề mà các công ty này đưa ra có thực sự là vấn đề hay không? Cách mà các giải pháp của họ đưa ra có giải quyết triệt để vấn đề đó hay không? Đây là những câu hỏi hiện lên trong đầu tôi khi ngồi trên giảng đường trường đại học ở Iowa. Tôi cũng nhớ lại các buổi bootcamp tại Saigon về khởi nghiệp được một giáo sư ở Hardvard truyền lại, trong đó có việc xác định vấn đề cần phải giải quyết của một nhóm khởi nghiệp theo phương pháp Lean Startup (khởi nghiệp tinh gọn). Sau khi suy nghĩ kỹ càng và nhiều năm trải nghiệm, tôi nhận ra rằng các vấn đề trong xã hội là do chính chúng ta tạo ra, các nhóm khởi nghiệp trẻ tuổi luôn bị ám ảnh phải giải cứu thế giới, giải quyết vấn đề xã hội để làm giàu trong khi họ không đủ sâu sắc để nhận ra cách họ suy nghĩ và mục tiêu họ đặt ra mới chính là vấn đề. Những điều họ muốn làm vượt quá sức lực của mình trong khi họ còn chưa hiểu và giải quyết được các vấn đề của bản thân thì làm sao giải quyết những vấn đề lớn hơn. Người Việt chúng ta có câu “ốc chưa mang nổi mình ốc, ốc còn làm cọc cho rêu”, đó chính xác là miêu tả về những trường hợp này.


Trong phần lớn các ý tưởng khởi nghiệp, hầu hết các vấn đề mà họ muốn giải quyết là những giả định do những người sáng lập tự đặt ra, và nếu đúng phương pháp và quy trình thì họ sẽ phải làm khảo sát xem những giả định của mình có chính xác hay không và mức độ chính xác là bao nhiêu? Nếu chúng ta nói vấn đề cần giải quyết là của loài người vậy thì chúng ta phải khảo sát bảy tỷ dân trên hành tinh thì mới xác định được nó đúng là vấn đề chung của nhân loại, khi đó mục tiêu trở thành anh hùng cứu thế mới đúng đắn. Còn nếu vấn đề giả định thuộc về dân chúng của một quốc gia thì ít nhất bạn phải khảo sát và điều tra toàn bộ ý kiến của vùng lãnh thổ đó để xác định tính đúng đắn cho giả định mà bạn đặt ra. Đáng tiếc phần lớn đội nhóm hay cá nhân khởi nghiệp không đủ nguồn lực để làm những công việc khảo sát này, nên hầu hết vấn đề và giải pháp họ đưa ra phần lớn đều hoang đường, đương nhiên có một số nhỏ may mắn chính xác nhưng nếu đem so với phần còn lại chỉ như muối bỏ bể. Đáng sợ hơn nữa là rất nhiều người không nhận ra điều này, và lại có một niềm tin to lớn và quyết tâm mãnh liệt hy sinh tất cả để thành công, và trong khi họ nỗ lực giải quyết những vấn đề không có thật đó họ lại tạo ra nhiều vấn đề mới hơn cho xã hội. Kết hợp với lòng tham vô bờ của những nhà đầu tư mạo hiểm, thổi phồng mức độ thiên tài của các doanh nhân khởi nghiệp và công nghệ lại càng gây ra thêm nhiều lãng phí về nhân lực, tiền của và thời gian cho xã hội.


Nếu bạn đã từng đọc qua trường hợp của WeWork hay đình đám gần đây là Theranos bạn sẽ hiểu tôi đang nói về điều gì. Hai trường hợp này rất nổi tiếng hay tai tiếng, có rất nhiều thông tin không thể viết hết ở đây. Một ví dụ khác là các công ty startup công nghệ trong lĩnh vực chuyên chở như Uber, Lyft, Grab, Gojerk, v.v... sứ mạng họ đặt ra có vẻ khác nhau nhưng thực tế ai cũng thấy họ giống như một công ty taxi kết hợp với một nền tảng công nghệ hỗ trợ cho việc đặt xe và thanh toán trực tuyến nhanh gọn. Ban đầu các tài xế được hưởng lợi khi tham gia vì chính sách hoa hồng tốt, nhưng khi số lượng tài xế tăng lên thì những thứ họ nhận được lại sụt giảm. Ngoài ra vì không phải là nhân viên chính thức của công ty nên họ không được nhận những chế độ khác như bảo hiểm hay phải tự lo trang trải chi phí liên quan đến phương tiện, v.v... Vào lúc cơn sốt taxi công nghệ bùng nổ, nhiều người còn vay mượn số tiền lớn để mua xe ô tô chạy Grab, Uber, v.v... Đường xá lúc nào cũng bị kẹt cứng vì số lượng ô tô gia tăng đột biến, ô nhiễm tiếng ồn, bụi trong không khí. Khi cơn đại dịch virus Vũ Hán xảy ra, tài xế thất nghiệp, nợ nần chồng chất vì trót mượn tiền mua xe mà không có khả năng chi trả.


Bạn có thấy sự mâu thuẫn ở đây không? Những hãng công nghệ này, họ tạo ra một giải pháp hay mô hình kinh doanh khởi nghiệp mới và đồng thời cũng tạo ra hàng loạt vấn đề mới về môi trường và an sinh xã hội. Bởi vì không mấy ai khi bắt đầu khởi nghiệp đều nghĩ kỹ về trách nhiệm của mình đối với xã hội, họ đơn giản chỉ hướng đến lợi ích ngắn hạn là lợi nhuận để đáp ứng kỳ vọng của bản thân và nhà đầu tư, nên giải pháp và mô hình họ đưa ra đơn giản chỉ là thay thế vấn đề cũ bằng một hoặc nhiều vấn đề mới và nghiêm trọng hơn. Cho nên nhiều khi không làm gì lại là một cách giải quyết vấn đề tốt hơn vì nó không tạo ra vấn đề mới nào. Đôi khi làm một người bình thường lại không gây ra hậu quả hay thiệt hại lớn cho xã hội bằng việc trở thành một người hùng.

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

CẢM ƠN BẠN!

bottom of page