Sự ra đi của 150 người trong ngày lễ Halloween ở Hàn Quốc có lẽ là một lời nhắc nhở mọi người về ý nghĩa thật sự của ngày lễ này. Trong thời kỳ toàn cầu hóa, có nhiều ngày lễ vốn dĩ là truyền thống văn hóa của một số quốc gia trở nên phổ biến và du nhập sang các nước khác. Nhưng không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của nó, dẫn đến việc cách thức họ đón nhận nó cũng sai lệch, thông thường người ta chỉ học theo cái vẻ bề ngoài mà không mấy ai quan tâm đến ý nghĩa thực sự của những ngày lễ này.
Ngày lễ Halloween nó đặc biệt hơn một số ngày lễ quốc tế khác vì sự liên hệ đến các truyền thống tôn giáo tâm linh sâu sắc. Nó liên quan nhiều đến truyền thống của Thiên Chúa Giáo, là ngày lễ để tưởng nhớ đến các vị thánh đã hy sinh tánh mạng để che chở cho con người và cầu nguyện cho những linh hồn lạc lối. Về phần các vị thánh thì đơn giản và dễ hiểu, còn những linh hồn lạc lối chính là những người khi còn sống tham lam, ích kỷ, ham thích vui chơi hưởng thụ vật chất, trụy lạc, phạm phải nhiều tội ác như sát sinh hại mạng, trong lòng chất chứa nhiều thù hận cho nên họ không có đủ phước đức để lên thiên đàng khi phải bỏ lại xác thân con người vì một lý do nào đó. Cho nên các hoạt động truyền thống xa xưa trong ngày này sẽ bao gồm các hoạt động cầu nguyện, ăn chay, làm lễ tưởng nhớ đến các vị thánh và vong linh người đã khuất. Các hoạt động này đều hướng đến phần thiện lương và mang tính chất thanh tịnh cao đẹp trầm lắng, góp phần xoa dịu đi tâm tính nóng nảy, dễ thù hằn của cả người sống và những người khuất mặt khuất mày.
Những hoạt động như hóa trang đi xin kẹo của trẻ em cũng có ý nghĩa riêng đẹp đẽ của nó. Đây có lẽ là hoạt động có nhiều người tham gia và bị hiểu sai nhiều nhất trên thế giới, bởi vì họ chỉ thấy nó hay hay vui vui và làm theo mà không ý thức gì về ý nghĩa đằng sau nó. Rất ít người đặt câu hỏi tại sao người ta lại hóa trang trong ngày này và việc đi xin kẹo có ý nghĩa gì? Thời xa xưa người ta rất sợ ma quỷ, nhưng ngày nay có vẻ như hóa thân thành ma quỷ ăn nhậu nhảy múa rung lắc hù dọa người khác lại trở thành thú vui của rất nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới. Nó hoàn toàn đi ngược lại với những ý nghĩa ẩn đằng sau ngày lễ Halloween.
Ngày Halloween bắt nguồn từ niềm tin và các nghi thức của Thiên Chúa Giáo, đây cũng là ngày mà họ tin rằng các linh hồn lạc lối đầy thù hận hay còn gọi là ma quỷ được cho phép đi đòi nợ lần cuối cùng trước khi biến mất hoàn toàn khỏi mặt đất. Nói ngắn gọn nó là ngày báo oán trả thù, cho nên những ai muốn đi ra đường vào ngày này cần phải hóa trang để những vong linh đó không nhận ra mình mà đòi nợ, đòi mạng. Ngoài ra vào ngày này thời xưa, người ta cũng có hoạt động để kết nối tình thương giữa người với người và người sống với người chết như quyên góp và chia sẻ thực phẩm với những người nghèo khổ đói rách và cầu nguyện cho những linh hồn bất hạnh chẳng may bị đọa lạc để xoa dịu sự đau khổ của họ. Những đứa trẻ muốn ra đường quyên góp đồ ăn phải mặc đồ hóa trang để không bị ma quỷ bắt đi, trách nhiệm của người nhận đồ quyên góp là phải chia sẻ chúng cho những người nghèo khổ khó khăn và thực hiện cầu nguyện cho các linh hồn lạc lối.
Các hoạt động này tương đương với bố thí, cúng dường, cầu siêu của truyền thống Phật đạo. Đây là một ngày lễ dành cho tha nhân, giống như ngày cúng cô hồn ở Việt Nam. Vì vậy khi hiểu đúng được ý nghĩa của ngày lễ này, những người tham gia cũng sẽ thực hành đúng thay vì tụ tập đông đúc, ăn nhậu, hát ca, giả ma, giả quỷ rồi chuốc lấy những hậu quả thảm khốc không đáng có.
Nguồn tham khảo:
Comments