top of page
Tìm kiếm

AN CƯ LẠC NGHIỆP

Đã cập nhật: 20 thg 6

Cách hiểu thông thường theo báo đài truyền thông đó là sở hữu nhà cửa, rồi mới yên ổn làm ăn phát triển sự nghiệp. Theo kiểu truyền miệng, người đọc báo trước truyền lại cho người khác, tam sao thất bản rồi cũng hướng về một mục đích bán đất, bán nhà. Rồi còn bồi thêm nhiều chiêu khích bác như “30 tuổi chưa có nhà là thất bại”, v.v… Cho đến khi bong bóng bất động sản nổ, nhiều đại gia bất động sản phải vào tù ra khám, nhiều người phải ôm nợ thì mọi thứ đảo chiều.


Cùng là một triết lý, cùng là bài học nhưng mỗi người lại hiểu một kiểu tùy trình độ. Nhưng cho dù là hiểu kiểu nào đi nữa thì hậu quả từ việc hiểu sai bài học người xưa để lại cực kỳ thảm khốc. Khi áp dụng bài học triết lý, hay cẩm nang cuộc sống thì phải đặt nó vào bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể, rồi thay đổi cho phù hợp. Thậm chí là phải nghiên cứu rất nhiều nguồn, và suy xét kỹ khi áp dụng. Hay nói cách khác là “tùy thời ứng dụng”.


Đầu tiên ta phải nhìn lại hai bối cảnh quá khứ và hiện tại, để xem sự thay đổi như thế nào:

  • Bối cảnh ngày xưa, người dân có thể đi khẩn hoang, phát quang một mảnh đất nhỏ, dựng một căn nhà tranh, nhà lá là đã có được một chỗ ở. Chỗ ở ban đầu có thể đơn sơ, nhưng họ sẽ từ từ nâng cấp lên. Người xưa vẫn an cư mà không cần lệ thuộc vào tiền bạc, có được một mái nhà che nắng che mưa hoàn toàn nhờ sức lao động của mình, và cũng không cần đến mười hay hai mươi năm để trả nợ.

  • Bối cảnh hiện tại, giá nhà, giá đất trên trời vượt quá thu nhập của một người lao động bình thường. Một người có thu nhập trung bình, khá trong xã hội phải tiêu tốn từ mười đến hơn hai mươi năm cuộc đời may ra mới trả được hết số tiền vay mượn để sở hữu một căn nhà. Đó là trong bối cảnh kinh tế ổn định, thu nhập cao và đều, mọi người đều được sống bình yên, thế giới không có chiến tranh, chính sách điều hành xã hội của chính phủ không thay đổi chóng mặt hôm nay kiểu này, ngày mai kiểu khác.


Cũng là một câu nói kinh điển nhưng nếu hiểu sai và áp dụng máy móc không đúng thời điểm và hoàn cảnh thì tự mình làm khổ mình. Có khi chỉ vì nghe người khác chê bai, xúi giục, tự bản thân cũng không biết mình đang dấn thân vào điều gì. Vậy hiểu sao cho đúng triết lý này của người xưa?


AN CƯ?

"An" là an toàn, an tâm, bình an. "Cư" có thể là định cư hoặc tạm cư, ý nghĩa đề cập đến hoạt động, sinh hoạt, nghỉ ngơi, sinh sống. Chữ “Cư” ở đây rất quan trọng, “Cư” không có nghĩa là ở cố định một chỗ, bất di bất dịch, nó còn tùy vào hoàn cảnh xung quanh có thuận lợi không, thuận lợi thì “định cư”, bất lợi thì “di cư”. “Cư” còn được dùng trong các từ như "Cư Trú", "Cư Ngụ", "Du Cư" hoặc "Dân Cư". “Cư” thỉnh thoảng được dùng kèm với từ khác mới trở thành danh từ như "Tân Cư" (chỗ ở mới), "Cố Cư" (chỗ ở cũ). Thậm chí là “Nhàn Cư” trong “Nhàn cư vi bất thiện” nghĩa là rảnh rỗi, ăn ở không thường sinh ra hành vi không đàng hoàng, bậy bạ.


Ý nghĩa thực sự của “Cư” khi qua miệng những người kinh doanh bất động sản thì bị méo mó, tập trung mô tả nó như là danh từ (nhà cửa, chỗ ở, hay tệ hơn là mái ấm gia đình). Chữ "Cư" viết bằng bảng chữ cái Latin hiện nay không phản ánh đúng nghĩa của nó, vì viết theo lối phiên âm, để hiểu đúng phải dựa vào bộ ký tự cổ như Hán Nôm hay Hán Việt (居). Từ chỗ không chính xác này của cách viết phiên âm, người ta dễ dàng lèo lái ý nghĩa của một triết lý theo kiểu "hiểu một cách nôm na". "Hiểu một cách nôm na" là cách hiểu không chính xác, thường sai lệch, không trọn vẹn và không đúng với nguyên bản. An Cư Lạc Nghiệp là một triết lý sống, hay một dạng cẩm nang tuy chỉ có bốn chữ nhưng khi hiểu đúng thì người làm theo chỉ dẫn sẽ có đời sống tốt đẹp. Không thể "hiểu một cách nôm na" vô trách nhiệm được. Chính vì vậy, tôi cố gắng hết sức để phân tích kỹ, trước là để rút ra bài học cho bản thân, sau là đóng góp thêm một dữ liệu để người đọc có thêm tư liệu suy xét, ngẫm nghĩ.


THỨ TỰ SẮP XẾP VÀ SỰ ƯU TIÊN

An Cư đặt trước, Lạc Nghiệp theo sau. Thứ tự trình bày cũng nói lên cái nào cần ưu tiên, cái nào quyết định cái nào. Miễn làm sao chúng ta có thể sắp xếp được một nơi để sinh hoạt, nghỉ ngơi an toàn, yên ổn, hàng xóm hiền lành tốt bụng, môi trường không ô nhiễm, thuận tiện cho công ăn việc làm trong một thời gian dài để không phải lo lắng loay hoay với các vấn đề an ninh hay bị sách nhiễu thì đó là AN CƯ. Nó khác hoàn toàn với việc chấp nhận một gánh nặng nợ nần để sở hữu một ngôi nhà hay mảnh đất. Nhiều khi ta sở hữu nhà và đất nhưng sống ở đó ta cảm thấy không an tâm, không yên ổn sinh hoạt, hay đau ốm bệnh tật, thường xảy ra xích mích với hàng xóm hay gia đình thì không phải là AN CƯ. Nếu căn nhà hoặc căn hộ ta đang ở được mua bằng tiền đi vay mượn, thì cũng không thể AN CƯ khi số nợ còn chưa trả hết. Nếu đến hạn phải trả nợ mà không đủ tiền trả thì căn nhà đó cũng bị thu hồi. Vậy là ta vừa mất chỗ ở vừa gánh nợ, sống trong một trạng thái thấp thỏm như vậy thì khó mà vui sướng trọn vẹn. Trạng thái này là bất an, bất ổn, không yên tâm, ngược lại hoàn toàn với AN CƯ. Nếu không có được AN CƯ thì không thể LẠC NGHIỆP.


LẠC NGHIỆP?

“Lạc” là vui vẻ; “Nghiệp” là làm việc, nghề nghiệp hoặc công việc. Nghĩa là vui vẻ làm việc, nếu làm việc không cảm thấy vui, không thấy yêu thích việc mình đang làm thì sự nghiệp không tiến triển. Khi được AN CƯ, chúng ta không còn phải lo lắng về điều kiện sống, sinh hoạt nữa thì tất cả sức lực cũng như tâm trí sẽ dành hết cho công việc. Làm việc, sản xuất với một tinh thần đầy đủ như vậy thì công việc sẽ tiến triển tốt. Mỗi ngày trôi qua sẽ có những tiến bộ mới khiến người ta vui hơn, vì nhận thấy được sự phát triển của chính mình thông qua công việc.


TỔNG KẾT

Nói tất cả những điều này để cho thấy rằng “An Cư Lạc Nghiệp” và SỞ HỮU nhà cửa là hai việc khác nhau. Một cái liên quan đến tinh thần có mối quan hệ nhân quả trong đó “An Cư” là nhân còn “Lạc Nghiệp” là quả. Nhân tốt quả tốt. Còn sở hữu nhà hay đất là sở hữu vật chất, không phải là bài học triết lý, nó chỉ là một sự việc xày ra hoặc không xày ra trong cuộc đời.


AN CƯ cũng được đề cập đến một trong những thời điểm tu hành của các tu sĩ Phật Giáo đó là AN CƯ KIẾT HẠ. Đây là một thời điểm trong năm mà các vị tu sĩ ở yên một chỗ để tự thanh lọc thân tâm của mình. Những người tu sĩ, họ không sở hữu đất đai nhà cửa, họ có thể ở trong rừng hay lều tranh lán tạm, nhưng vẫn có thể AN CƯ, đó là vì tâm bình an, yên ổn thì ở bất cứ đâu cũng cảm thấy thoải mái. Qua ví dụ này ta thấy rõ hơn nữa nghĩa của từ AN CƯ.


Toàn bộ triết lý của thành ngữ AN CƯ LẠC NGHIỆP là vậy, ngắn gọn, dễ hiểu nói về trạng thái tinh thần. Bài học cuộc sống thì ngắn gọn, dễ nhớ, mới truyền đạt được cho nhiều thế hệ sau, bạn không thể múa bút viết hàng trăm trang giấy mà mong nó truyền từ đời này sang đời khác. Chính vì sự ngắn gọn, ý nghĩa trong bốn chữ mà bài học của tiền nhân để lại mới còn tồn tại đến giờ dưới dạng cô đọng như trên. Cho nên khi hiểu được ý nghĩa của sự việc, sự vật, con người sẽ không còn làm nô lệ cho các ham muốn hư ảo.


AN là yên ổn, bình yên

là sinh hoạt tự nhiên mỗi ngày

LẠC là vui vẻ, hân hoan

NGHIỆP là kiếm sống cho đời ấm no.


Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


CẢM ƠN BẠN!

bottom of page