Tác phẩm nên đọc cùng với Việt Nam Sử Lược.
Đọc tác phẩm này sẽ giúp chúng ta hiểu thế nào là văn hóa. Bạn sẽ không thể hiểu được sự sâu sắc của hai chữ "văn hóa" chỉ bằng cách đọc vài bài giải thích sơ xài đăng trên mạng của một ai đó không rõ tên tuổi, danh tánh hay từ vài trang báo lá cải mà nguồn trích dẫn lại càng làm bạn bối rối hơn. Những định nghĩa được xào nấu, góp nhặt, tản mác này không có tác dụng gì lớn ngoại trừ làm cho bạn cảm thấy hai từ "văn hóa" sao mà hiển nhiên tầm thường, tẻ nhạt mà đúng ra phải là ngược lại.
Tác phẩm này là của học giả Đào Duy Anh, một trong những học giả có tiếng tăm của Việt Nam trong thế kỷ 20. Trải qua nhiều biến cố lịch sử dài hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam, tài liệu lịch sử còn tồn tại đến ngày nay để cho người Việt Nam học hỏi và tìm hiểu về lịch sử văn hóa dân tộc mình không nhiều. Các tác phẩm về lịch sử Việt Nam đã ít, các tác phẩm nói về văn hóa lại càng ít hơn. May mắn là đất nước ta còn có những học giả uyên bác như Trần Trọng Kim, và Đào Duy Anh là những người dành đời mình để biên soạn những bộ sách về sử học và văn hóa cho thế hệ sau có cơ hội hiểu về những điều tốt đẹp cũng như hạn chế của người Việt Nam.
Những cái hay, cái dở của chúng ta bắt nguồn từ chính sự thiếu hiểu biết về lịch sử và văn hóa. Có những điều chúng ta làm theo thói quen, như một cái máy được lập trình sẵn từ đời này qua đời khác mà không hiểu tại sao ông bà, tổ tiên đã làm như vậy. Chính vì không hiểu biết như vậy, nên khi thời cuộc thay đổi, ta cũng không biết được cái gì là giá trị tốt đẹp cần giữ gìn, cái gì là hủ tục lỗi thời phải bỏ hoặc thay đổi cho kịp với sự tiến bộ của nhân loại.
Vậy thì văn hóa là gì? Tại sao nó lại quan trọng? Văn hóa là giá trị, giá trị văn hóa cao là văn minh, giá trị thấp là lạc hậu lỗi thời. Cư xử bạo lực, thô lỗ, tục tĩu, khoe khoang, trụy lạc là biểu hiện của văn hóa thấp kém. Ngược lại với những điều đó là biểu hiện văn hóa cao hay còn gọi là văn minh, tiến bộ.
Muôn vạn lời nói của tôi cũng sẽ dư thừa, bởi vì chỉ cần đọc qua tác phẩm Việt Nam Văn Hóa Sử Cương này, bạn cũng sẽ tự đúc kết ra được câu trả lời cho riêng mình. Trong bài viết này tôi chỉ viết ra những điều mình đã hiểu được, để minh chứng cho giá trị của một tác phẩm hay. Nó hay ở chỗ là sau khi đọc xong, bạn sẽ cảm thấy sự hiểu biết của mình được mở rộng hơn so với lúc trước. Tôi đã từng có cảm giác hơn bốn ngàn năm lịch sử của tổ tiên, dân tộc bừng bừng sống dậy trong từng tế bào của mình khi đọc cuốn Việt Nam Sử Lược của tác giả Trần Trọng Kim. Đến với Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh, đời sống sinh hoạt của người Việt Nam qua từng giai đoạn thời kỳ lại như dòng nước êm đềm thấm đẫm đến chân tơ, kẽ tóc.
Khi gấp cuốn sách lại, tôi hiểu được sức nặng của hai từ "văn hóa". Những thói quen sinh hoạt, làm ăn, giao thương, giải trí, tôn giáo, tín ngưỡng nếu chỉ trong ngày một, ngày hai ta sẽ không thấy có gì đặc biệt, nhưng nếu nó lặp lại qua hàng chục, hàng trăm năm, người ta sẽ nhận ra được một mẫu số chung vô hình trong cách hành xử của con người trong xã hội. Mẫu số chung vô hình đó chính là văn hóa, nó cũng là thước đo tính nhân văn của một xã hội. Bây giờ bạn đã có thước đo trong tay, hãy thử đo xem chúng ta đang sống trong xã hội có nhân văn hay không? Và nếu nó không tốt đẹp như người ta tô vẽ, liệu bạn có dám chọn sống một đời sống văn hóa cao nhưng lẻ loi hay tự hòa mình vào đống bùn nhơ nhớp đông vui. Văn hóa cũng như một ngọn núi kỳ vĩ, càng lên trên cao tầm mắt sẽ càng rộng rãi, nhiều cảnh đẹp sẽ hiện ra. Nhưng để leo lên trên cao cần có sự kiên trì, nhẫn nại cho nên số người sống dưới chân núi đông vô số kể. Tôi đang cố gắng leo lên đỉnh núi và hy vọng gặp bạn ở đó vào một ngày không xa.
Comments