Lịch sử không chỉ có những cuộc chiến đẫm máu, cũng không phải chỉ là những trang sử toàn thắng, những thứ đã xảy ra trong quá khứ cũng không thể xét đoán từ cái nhìn một chiều của bên chiến thắng. Người đọc sử, tìm hiểu quá khứ cần phải bỏ đi tư duy một chiều và thành kiến để có sự nhìn nhận khách quan trên nhiều khía cạnh của cuộc sống qua từng thời kỳ, từng giai đoạn.
Lúc tuổi thơ đi học trong trường, môn lịch sử hầu như không có một trọng lượng nào trong bộ nhớ của tôi. Ấn tượng duy nhất chính là những chiến thắng liên miên, ngày tháng năm, số quân địch bị giết với các kết luận là những lời khen ngợi sáo rỗng. Hoàn toàn là những thứ vô nghĩa, tốn thời gian. Phải nói là sách giáo khoa nhồi sọ đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình là khiến cho chúng ta quên mất ta là ai. Cũng giống như trứng của một con đại bàng, nhưng lại được gà vịt ấp và nuôi dưỡng, đến khi lớn lên nó cũng không biết mình là đại bàng.
Mãi cho đến một khoảng thời gian trên Youtube xuất hiện nhóm bạn làm một loạt phim ngắn Việt Sử Kiêu Hùng, những đoạn phim tuy ngắn ngủi nhưng là những đoạn phim làm về lịch sử Việt Nam hay tràn đầy cảm xúc nhất tính đến thời điểm đó mà tôi được xem. Sau này cùng với bản tính tò mò sẵn có, tôi đã kiếm được cuốn VIỆT NAM SỬ LƯỢC của học giả Trần Trọng Kim. Có lẽ do ác cảm với môn sử từ lúc đi học mà đây là cuốn sách lịch sử Việt Nam đầu tiên tôi mua đọc. Thật sự nội dung rất hấp dẫn gấp một ngàn phần trăm sách lịch sử nhồi sọ ngày xưa ở trường.
Ấn tượng đầu tiên chính là sự khiêm tốn của ông Trần Trọng Kim trong lời tựa. Và xuyên suốt những trang sách đó bao gồm tất cả các sự kiện diễn biến những gì đã xảy ra từ thời dựng nước, cho dù đó là nước Tàu đánh nước ta hay nước ta đập tan quân Tàu thì ngôn ngữ sử dụng nói về các nhân vật của hai bên đều được trình bày một cách tôn trọng lịch sự với các diễn biến khách quan dẫn đến những biến cố đó. Sẽ không có những từ ngữ như “quân ta, bọn nó, kẻ địch, phe chính nghĩa, bọn gian tà, chiến thắng oanh liệt, rút lui chiến thuật, v.v…”. Vì sao? Vì bất cứ chiến thắng của ai đi nữa, đều do đánh đổi xương máu, sinh mạng dân chúng của các bên tham gia.
Đọc cuốn sách này tôi học được gì? Có thể sự chính xác của mọi sự kiện không tuyệt đối, nhưng theo đúng tinh thần của tác giả biên soạn, tạm thời chưa có tấm áo đẹp thì ta hãy mặc tạm một manh áo bình thường, đợi ngày sau có những người tài giỏi hơn nghiên cứu tìm tòi lại được những chi tiết chính xác bổ sung vào ta sẽ có một tấm áo tốt hơn, hoàn chỉnh hơn. Đây là bài học đầu tiên về sự khiêm tốn và tự biết mình.
Bài học thứ hai, lịch sử không chỉ có đánh nhau chém giết, tranh đoạt mà nó còn chứa đựng nhiều điều khác như văn hóa, chính trị, tập quán, đời sống tôn giáo tinh thần, v.v... của con người tại mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn. Bất cứ loại sách sử nào chỉ có ca ngợi chiến thắng, chém giết đều là sách của những kẻ khát máu hoặc được soạn ra với mục đích củng cố quyền lực của kẻ cai trị.
Bài học thứ ba là những bình luận của tác giả rất khách quan về cái được và cái chưa được của mỗi thời kỳ. Không phải cứ minh quân thánh chúa thì ta tôn sùng cho là hay, là giỏi, là chân lý tuyệt đối, vì họ cũng là con người cũng sẽ có những sai lầm do khách quan hoặc chủ quan. Lịch sử chính là bài học, là tấm gương để ta tự sửa mình. Ví dụ: bạn kinh doanh buôn bán, khởi nghiệp thua lỗ, nếu bạn muốn tiếp tục đứng lên gầy dựng lại sự nghiệp, bạn sẽ phải suy nghĩ nhìn nhận lại những gì mình đã làm, chỗ hay chỗ dở để khắc phục, cải thiện, tức là bạn đang nhìn lại lịch sử của chính mình để rút ra kinh nghiệm, để tiến bộ hơn. Ở mức đô quản lý tầm vĩ mô hay vi mô cũng nên như vậy.
Thiết nghĩ một quyển sách sử hay như cuốn VIỆT NAM SỬ LƯỢC nên đến được với nhiều người hơn. Đọc qua rồi ta sẽ cảm nhận được tính quật cường của giòng giống Bách Việt, để hiểu được sự giằng co lâu đời của ta và Tàu, để hiểu được tại sao dân khí lúc suy lúc thịnh, lúc nhược lúc cường. Đọc để thấy làm vua hay quan cũng đều là nhất thời, dân vạn đại.
Lịch sử cũng như một con thuyền chuyên chở các triều đại, thể chế qua thời gian, hiểu về lịch sử ta cũng sẽ hiểu được không một triều đại, thể chế, chính quyền nào tồn tại mãi mãi mà chúng sẽ liên tục thay đổi ứng với quy luật của tự nhiên là “thành, trụ, hoại, diệt”, còn xét trên phương diện cá nhân của các loài sinh vật là “sinh, lão, bệnh, tử”. Đây cũng chính là điều mà bên nhà Phật gọi là vô thường. Thường là bất biến, không bao giờ thay đổi. Vô thường thì ngược lại luôn luôn thay đổi, những gì luôn luôn thay đổi ta gọi là vô thường. Sự biến đổi không ngừng của tất cả mọi vật trên cuộc đời theo dòng thời gian chính là vô thường, lịch sử là vô thường. Hiểu được như vậy ta sẽ có cách sống và quyết định hòa hợp với thời cuộc. Đó cũng là ý nghĩa của việc học lịch sử một cách đúng đắn.
THUẬN THIÊN GIẢ TỒN, NGHỊCH THIÊN GIẢ VONG
Comments