Sự nghiệp của một solo game developer cũng khó tránh khỏi những ngày cảm sốt nhức đầu sổ mũi. Nếu nhìn theo góc độ của một kỹ sư, cơ thể cũng như một cỗ máy, khi có biểu hiện trục trặc nào nghĩa là cỗ máy đó đang bị lỗi hoặc sự cố. Việc quan sát và ghi chép lại chi tiết những thứ bất thường đó sẽ giúp tìm ra cách khắc phục sự cố. Các sự cố xảy ra theo chu kỳ lặp lại từng năm đặc biệt dễ dàng để quan sát, sổ mũi cảm sốt cũng là một lỗi kỹ thuật như vậy đối với cá nhân tôi. Bài này tôi ghi lại những gì đã xảy ra, để năm sau khi gặp sự cố thì cũng đã có phương án phục hồi.
Triệu chứng ngày đầu tiên cảm thấy cổ họng bị kích thích, có cảm giác muốn nuốt nước bọt nhiều hoặc khạc nhổ. Nguyên nhân là có một phần trên xoang mũi bị rò rỉ một lượng nước nhỏ liên tục biến thành một dịch nhầy, dịch nhầy từ từ chảy xuống và bám vào cuống họng gây cảm giác như kể trên. Uống nước ấm giúp cổ họng dễ chịu hơn và giảm sưng đau do dịch nhầy kết tụ. Khi nằm ngủ nên kê gối cao để giúp đường hô hấp hoạt động bình thường, điều chỉnh máy lạnh ở mức 26 độ hỗ trợ giấc ngủ tốt hơn để có sức vượt qua các ngày kế tiếp.
Triệu chứng ngày thứ hai, dịch nhầy từ khoang mũi sản sinh nhiều hơn, tuy nhiên tốc độ di chuyển từ khoang mũi xuống vòm họng chậm, đường lưu thông bị tắc nghẽn phình lên chèn vào một số dây thần kinh gây ra cảm giác hơi khó chịu, đau nhức nhẹ vùng trán. Họng vẫn bị kích thích, nên tránh ngồi quạt thổi trực tiếp vào người vì luồng gió của quạt thường đi kèm với bụi làm kích thích khu vực khoang mũi, nên lau chùi cánh quạt và các bộ phận xung quanh đảm bảo chúng không bị bụi bám. Lau chùi quanh phòng và đảm bảo những chỗ không khí lưu thông không bị đóng bụi. Uống nhiều nước giúp pha loãng dịch nhầy, giúp cho hệ hô hấp vận hành bình thường. Thường các loại thuốc có chứa Paracetamol khi sử dụng vào thời điểm này chỉ là để giảm đau, giúp các dây thần kinh bớt bị kích thích gây ra chảy nước mũi là nguyên nhân chính gây ra tình trạng khó chịu khi bị viêm mũi dị ứng. Thuốc giảm đau không có tác dụng chữa bệnh, chúng chỉ hỗ trợ giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình phát bệnh cho đến khi bệnh kết thúc. Những ai muốn tăng cường sức chịu đựng tự nhiên vẫn có thể chọn giải pháp không uống thuốc giảm đau, bệnh vẫn tự khỏi do khả năng tự chữa lành của cơ thể.
Triệu chứng ngày thứ ba, dịch nhầy tuôn xối xả từ khoang mũi xuống, cứ hỷ mũi xong lại đầy. Thời điểm này cho thấy hệ thống điều phối nước trong cơ thể bị trục trặc, nước được cấp chỗ nhiều chỗ ít. Nó giống như một đường ống nước bị rò rỉ ngay tại chỗ đó nước thoát ra quá nhiều, còn các chỗ khác lại không có nước để sử dụng. Thao tác hỷ mũi, giúp tống lượng dịch nhầy dư thừa ra khỏi khoang mũi sẽ hỗ trợ việc hô hấp, tuy nhiên nó lại tạo ra một tác động kích thích khác lên niêm mạc xoang mũi khiến cho một đợt nước mũi khác lại được sản sinh ra. Để khắc phục tình trạng này, ta giảm lượng nước uống hấp thụ vào cơ thể, khi nào khát thì nhấp một ngụm nhỏ. Khi lượng nước trong cơ thể giảm đi thì tự động các van nước sẽ đóng lại. Các dây thần kinh vùng niêm mạc mũi không bị kích ứng nữa mọi thứ sẽ dần trở lại bình thường.
Bệnh sẽ thuyên giảm từ ba đến bốn ngày với điệu kiện người bệnh ở nhà sinh hoạt bình thường và nghỉ ngơi. Những ai đi làm nên lấy ngày phép để nghỉ ở nhà, hạn chế ra đường vì môi trường bên ngoài có nhiều yếu tố khiến bệnh lâu khỏi. Mỗi ngày dùng nước muối sinh lý để súc họng và rửa mũi, giúp xoang mũi thông thoáng, dễ thở vì các dịch mũi đã được rửa sạch không tạo nơi trú ẩn cho vi khuẩn giúp quá trình phục hồi tiến triển thuận lợi hơn. Quá trình trên đây là trải nghiệm cá nhân của tôi không có sự can thiệp của thuốc giảm đau, nên các diễn biến và triệu chứng cũng như thời gian khỏi bệnh là tương tự nhau mỗi lần tôi bị. Đây là bệnh theo mùa, một năm có thể bị từ một đến hai lần tùy vào sức đề kháng tự nhiên của cơ thể và môi trường sống.
Tác nhân gây bệnh là môi trường sống bị ô nhiễm, lượng khói bụi trong không khí quá nhiều, đến từ các công trình xây dựng, và mật độ phương tiện di chuyển trên đường cao cũng làm lượng bụi bay trong không khí tăng lên. Khi không khí lưu thông, các loại bụi này cũng theo đó mà thâm nhập vào nhà cửa và xâm nhập vào cơ thể con người thông qua đường hô hấp, từ đó tạo ra các chứng bệnh như viêm xoang, viêm mũi dị ứng. Để giảm thiểu tác động của chúng, các biện pháp ta có thể làm bao gồm đóng kín cửa sổ, lau chùi những nơi không khí hay lưu thông, hạn chế tối đa lượng bụi thâm nhập vào phòng ngủ và những nơi ta hay sinh hoạt. Lau chùi các thiết bị làm mát điều hòa không khí như quạt và máy lạnh. Sử dụng thêm các thiết bị lọc không khí đễ hỗ trợ. Ngoài ra ta cũng cần tăng sức đề kháng tự nhiên cho cơ thể bằng việc ăn các loại trái cây rau củ quả có vitamin C và tập thể dục nhẹ ngoài trời 5-10 phút mỗi ngày dưới nắng sớm.
Comments