Nhiều năm trước, tôi đã suy nghĩ về thiết kế game và chủ đề xã hội. Với bản chất không ham tiền, những game tôi thiết kế đều không có tính chất viral (lan truyền hay tạo trend). Nếu bạn suy nghĩ về tiền, bạn sẽ phải nghiên cứu cách làm game và tạo ra các tính năng gây nghiện. Tôi lại không thích làm theo công thức ABC để có được XYZ số lượt tải hay phải có những cái xu hướng thời đại để lôi kéo hay thu hút nhiều người dùng tải và nghiện game của mình.
Sau một thời gian dài, cá nhân tôi cảm thấy bản thân mình chỉ hợp với kiểu làm game indie (độc lập, đơn lẻ, nhỏ) và tạo ra nội dung có giá trị. Tôi không thích hợp làm những game gây nghiện. Các game tôi đã thiết kế hầu hết đều liên quan đến một vấn đề trong cuộc sống, bao gồm một số game theo đề tài giáo dục, game đề tài khoa học. Có lần tôi thiết kế một game nhỏ về sự kiện trên biển đông mà tới giờ vẫn chưa hết nóng. Game được đưa lên Apple Store, nhân viên của họ gọi điện để thông báo game của tôi không được xuất hiện trên Apple Store vì liên quan vấn đề nhạy cảm. Tôi thử đưa lên Google Play, không vấn đề gì xảy ra. Nếu liên kết sự việc, bạn sẽ hiểu, tại thời điểm đó Apple có một nhà máy sản xuất iPhone là Foxconn đặt tại Trung Quốc, nên bất cứ nội dung nào ảnh hưởng đến đối tác và việc kinh doanh của họ đều bị loại bỏ.
Thực ra, bản thân tôi rất thích các vấn đề xã hội và môi trường. Nếu có sự kiện gì xảy ra, các ý tưởng về game và vấn đề đó sẽ hiện lên trong đầu rất rõ ràng. Có khi tôi sẽ bỏ ra vài ngày để thực nghiệm ý tưởng. Trong bài này tôi cũng chia sẻ một ví dụ về cách tôi kết nối vấn đề xã hội và biến nó thành game như trong game B.O.T này. Các bạn ở Việt Nam đều biết BOT là từ mọi người dùng để chỉ các trạm thu phí trên đường quốc lộ.
Tôi đã nảy ra ý tưởng từ đồng tiền lẻ mà các tài xế sử dụng biến nó thành đồng xu, và việc dùng tiền lẻ để trả phí được quy đổi thành cơ chế bắn súng đơn giản. Biểu tượng like để thể hiện việc viral của sự kiện trên mạng xã hội. Từ like đó có thể đổi thành chức năng SAVE ME, tương ứng với việc share clip trên mạng và nhiều người xem biết đến, nó thể hiện tính lan truyền của một thông điệp cầu cứu. Nếu chơi game bạn sẽ thấy cái B.O.T nó phình lên xẹp xuống để thể hiện sự mất kiên nhẫn của những người vận hành B.O.T và cái B.O.T đó nó có phản ứng lại bằng cách thả những kẻ côn đồ để gây cản trở cho tài xế. Nếu bạn thử chơi, bạn sẽ thấy mỗi lần cái B.O.T bị nổ sẽ có một chú cảnh sát nho nhỏ đẩy cái B.O.T khác đến, việc đó thể hiện điều gì? Tôi xin để câu hỏi đó lại cho bạn tự trả lời. Khi kết thúc màn chơi, bạn sẽ được xem đoạn đối thoại giữa phóng viên bản tin và người quản lý hay có trách nhiệm điều hành B.O.T sau mỗi lần dư luận dậy sóng. Đương nhiên những phát ngôn từ ngài thị trưởng trong game hoàn toàn khác với những điều bạn được nghe từ báo đài, bởi vì đây là game, là một sản phẩm hư cấu.
Tôi nghĩ game cũng là phương tiện truyển tải thông điệp về cuộc sống cũng như là phim ảnh, nhạc hay sách truyện. Game không đơn thuần là một trò chơi gây nghiện cho giới trẻ, nó có thể được dùng vào nhiều việc tốt đẹp hơn.
Với phương pháp thiết kế game như trên sẽ khó có lợi nhuận. Ưu điểm duy nhất là không cần phải đi kiếm hay kêu gọi đầu tư. Bạn được tự do tạo ra một sản phẩm có hồn. Có nhiều người nghệ sĩ, không nổi tiếng, không giàu có, nhưng họ vẫn làm những điều họ thích làm, vì nó đem lại niềm vui. Con người bỏ ra nhiều thời gian, công sức, đến cuối cùng cũng mong có được một cuộc đời hạnh phúc, mà nhiều khi không thấy được những thứ đơn giản trước mắt đem lại niềm vui cho mình mỗi ngày. Có những thứ hạnh phúc rất đơn giản, được gọi là sáng tạo, không cần ai công nhận, không cần phải giàu sang, chỉ cần sự sáng tạo đó làm cho bản thân cảm thấy vui là ổn.
Comments