Thỉnh thoảng, tôi nhớ lại lời của một số giáo viên dạy sử nói thời còn đi học là tụi Trung Quốc nó đốt hết sách sử của mình rồi, nên giờ không còn nữa. Vậy là lịch sử hơn bốn ngàn năm chiến đấu chống lại phương bắc xâm lược chỉ còn gói gọn trong vài tiết học ngắn ngủi. Sách giáo khoa cũng chẳng có gì nhiều, phần lớn cũng chỉ nói về cuộc cách mạng thần thánh trong vòng hai trăm năm đổ lại đây. Và đặc biệt nhiều số liệu ngày tháng năm về phần đánh nhau với Mỹ. Sau khi tự tìm hiểu lịch sử của người Việt một thời gian, tôi bỗng nhiên cảm thấy từ hồi năm 199x đến giờ có một âm mưu xóa bỏ lịch sử và cố tình không dạy đầy đủ và làm cho học trò chán nản, không muốn tìm hiểu về lịch sử của dân tộc mình trong chương trình giáo dục.
Các cuốn sách về lịch sử như Việt Nam Sử Lược của ông Trần Trọng Kim hầu như vắng bóng, hiếm khi thấy trong các nhà sách, mãi đến tận những năm trở lại đây, các đầu sách này mới dần lộ diện. Nghĩa là những thông tin về tụi Trung Quốc đốt sách sử là một lời nói dối. Lời nói dối này có hai mục tiêu, một là khiến cho các học trò nào muốn tìm hiểu lịch sử bỏ cuộc, vì bị ám trong đầu rằng nguồn tài liệu tham khảo không còn. Thứ hai là khiến cho tâm lý ghét các thứ liên quan đến Trung Quốc tăng lên, gây ra sự bài xích tất cả các thứ có liên quan đến hai từ Trung Quốc. Tuy nhiên sau một thời gian tìm hiểu, tôi nhận thấy là các sử quan Trung Hoa thời xưa tuy có ghi chép thiên vị cho vua chúa thời đại mình, nhưng họ không hề bỏ qua các sự kiện liên quan đến những vùng đất chư hầu, bao gồm cả vùng đất của dân tộc Việt. Và nếu như sử sách đã bị đốt hết như các giáo viên và nhiều người hay nói thì làm sao một học giả như ông Trần Trọng Kim có thể thu thập và tổng hợp lại thành cuốn Việt Nam Sử Lược, hay như cụ ứng hòe Nguyễn Văn Tố có thể viết một cuốn sách đối chiếu các giai đoạn lịch sử Trung Hoa với lịch sử nước ta. Đó là còn có những học giả phương Tây, họ cũng nghiên cứu về lịch sử địa lý chính trị của khu vực châu Á, nếu sử liệu bị đốt hết thì đào đâu ra tài liệu để họ viết và đưa lên các tạp chí quốc tế hay Wikipedia. Điểm quan trọng cuối cùng là nếu sử liệu bị đốt hết thì giáo viên đọc từ tài liệu nào để biết được có sự việc đốt sử nói trên. Tiếc là thời thiếu niên không đủ tài liệu và trình độ suy nghĩ để phản biện, chứ không thì khả năng thành học sinh cá biệt khá cao.
Lần theo dấu vết lịch sử Việt Nam thì số phận của cuốn sách Việt Nam Sử Lược cũng khá lao đao. Cuốn sách được phát hành lần đầu tiên vào năm 1920, trong thời kỳ Việt Nam còn là thuộc địa của Pháp. Đây là cuốn sách được các nhà nghiên cứu sử học trong và ngoài nước công nhân, nhưng lại bị những người cộng sản phủ nhận. Thành ra một cuốn sách sử hay lại không được đưa vào giảng dạy cho học sinh sinh viên sau khi đất nước được thống nhất. Hậu quả của điều này là vài thế hệ người dân Việt giống như những cái xác không hồn, vì không hiểu được cội nguồn gốc gác của mình như thế nào, sức mạnh tinh thần của dân tộc ở đâu. May mắn sao trong thời đại thiên tai, chiến tranh, dịch bệnh này cuốn sách lại được đưa ra ánh sáng, như một cái lay nhẹ những người Việt còn đang mê ngủ.
Comments