CHƠI GAME ĐỂ KIẾM TIỀN
Khẩu hiệu này gần đây được đẩy mạnh bởi các start-up gameDeFi, NFT như một thần chú lùa gà (gà: những người không có nhiều hiểu biết về công nghệ hay mới tiếp cận với thế giới game).
Nếu bạn đã từng được một thánh blockchain hay gameDeFi, NFT nào đó rỉ tai về khả năng kiếm tiền làm giàu một cách nhẹ nhàng, điều này gợi nhớ lại các thánh đa cấp khi xưa cũng hay hô hào khẩu hiệu “tự do tài chính”, bạn sẽ thấy có một điểm chung nào đó. Phần lớn các project hay start-up gameDeFi đều là lừa gạt (scammer), đó là nhận định của không ít người trong cộng đồng mạng trong và ngoài nước, đã có nhiều pha ôm tiền bỏ trốn của các founder trước sự ngỡ ngàng của những người tham gia đã được ghi nhận và phản ánh, chỉ cần biết chút ít tiếng Anh và kỹ năng tìm kiếm bằng google là bạn sẽ biết được những thông tin này.
Việc chơi game kiếm tiền nó có từ trước khi công nghệ Blockchain, tiền ảo ra đời. Hãy nhớ lại những ngày tháng huy hoàng của thế giới game online, những người chơi game cày cuốc trong các tựa game như World of Warcraft, VLTK, v.v... họ cũng đã kiếm tiền bằng cách bán các vật phẩm rơi ra trong game, họ trao đổi mua bán ngoài quán cafe thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản trực tiếp qua ngân hàng. Hoạt động mua bán trao đổi cũng sôi nổi mà không cần bất cứ danh xưng công nghệ thời thượng nào như NFT hay gameDeFi, v.v... Ngoài ra còn có những người chơi game khác đã chăm chỉ rèn luyện kỹ năng, thao tác, phối hợp với đồng đội để tham gia các giải e-sport quốc tế và ôm trọn nhiều giải thưởng lên đến triệu đô. Đó chính là những người chơi game kiếm tiền thực thụ, họ đã có mặt trước khi có khẩu hiệu “play to earn”.
Sự bất ổn của việc “play to earn” còn đến từ các khó khăn trong việc cân bằng nền kinh tế trao đổi trong game và lợi nhuận cho đội ngũ phát hành và sản xuất. Mô hình kiếm tiền hiện tại phần lớn là dựa vào mô hình kim tự tháp mà các đội nhóm đa cấp đã sử dụng, người chơi sau sẽ nuôi người chơi trước, người chơi cuối cùng là người sẽ chịu hậu quả lớn nhất. Trong các tựa game online thông thường, người chơi sẽ phải trả phí để được trải nghiệm game, do đó nhà thiết kế, sản xuất game sẽ phải nỗ lực để giữ cho nền kinh tế trao đổi trong game được cân bằng.
Đối với các tựa game lớn như World of Warcraft thu hút đến hơn bảy triệu người chơi vào thời kỳ đỉnh cao, thì công việc giữ cho nền kinh tế cân bằng và hoạt động trơn tru đó tương đương với công việc hoạch định chính sách kinh tế cho một thành phố lớn đông dân trên thế giới ngoài đời thực. Số người thực sự có thể đảm đương công việc này trên thế giới không nhiều. Trong những tựa game online như thế này lợi ích của nhà cung cấp dịch vụ giải trí và người sử dụng dịch vụ là hoàn toàn tách rời và hướng tới những điều khác nhau.
Tuy nhiên trong các gameDeFi hay NFT, có sự xung đột lợi ích giữa người chơi và người phát hành sản xuất game vì thu nhập đều dựa vào token (NFT: non-fungible token), cả hai bên đều hướng tới việc kiếm thật nhiều tiền, thật nhiều giá trị từ token. Ở nơi mà mọi người đều muốn kiếm tiền và làm giàu, tất yếu sẽ hình thành nên một thị trường mà bất cứ thị trường nào đều có thể hình thành bong bóng. Hiện tượng bong bóng xuất hiện khi mà mọi người mua thứ gì đó vì giá đang tăng và việc mua lại đẩy giá tăng tiếp.
Chào mừng bạn đã đến với làn sóng bong bóng mới gameDeFi và các dự án NFT.
Comentários