top of page
Tìm kiếm

NGHỊCH LÝ VỀ TỰ DO TÀI CHÍNH


Tôi chưa bao giờ thích khái niệm “tự do tài chính”, những thứ to tát như vậy về cơ bản là không phù hợp với tôi. Của cải vật chất về cơ bản cũng giống như xiềng xích gông cùm. Một câu nói của người xưa là “tri túc thường lạc”, biết đủ đầy là hạnh phúc, khi ta cảm thấy đủ rồi ta sẽ thấy vui, ví dụ như ăn cơm thấy vừa đủ no thì dừng lại, đừng vì đồ ăn ngon mà cố ăn nhiều hơn để rồi sau đó là hại cái bao tử và sức khỏe của mình. Hoặc ví dụ như ta đã có đủ quần áo để mặc, ta cảm thấy đã đủ rồi thì sẽ không còn phải mệt mỏi chạy đua mua sắm theo các xu hướng thời trang mà vòng đời của các sản phẩm đó ngày càng ngắn lại, nếu ta không biết cảm thấy đủ, ta lại cứ phải cố gắng làm việc mệt mỏi kiếm thêm tiền để mua những món đồ mà có khi chỉ sử dụng có một lần trong đời. Chúng ta lãng phí quá nhiều sức lực và thời gian của bản thân để theo đuổi những giá trị không lâu bền như vậy ta sẽ không bao giờ cảm thấy cuộc sống của mình là đầy đủ.


Chúng ta cũng cần ngừng so sánh cái đủ của mình với cái đủ của người khác, đừng lấy cái đủ của người khác làm tiêu chuẩn cho cái đủ của mình và cũng đừng áp đặt tiêu chuẩn đủ của mình cho người khác. Tự bản thân mỗi người phải xác định được điều gì là cần thiết cho cuộc đời của mình để có điểm dừng. Đó phải là một cái gì đó cụ thể giúp ích cho cuộc sống ngắn hạn của đời người. Hãy tự mình trả lời, tìm ra con số cụ thể để trả lời cho câu hỏi bao nhiêu là đủ?

Nếu mục tiêu của bạn là kiếm tiền để trang trải cuộc sống, để xây nhà, để nuôi con cái ăn học, bạn phải xác định số tiền cụ thể, và thời gian thực tế bạn phải tiêu tốn để lao động để có được số tiền đó nó có đáng hay không, hay có một phương án nào khác thay thế hay không? Chúng ta không nên lấy thành tựu của người khác ra để làm tiêu chuẩn cho chính mình vì năng lực mỗi người khác nhau. Nếu bạn cố gắng quá sức điều đó sẽ làm hại đến sức khỏe của chính bản thân bạn, sức khỏe và thời gian là vốn quý giá nhất mà bạn có, đánh mất nó bạn sẽ không thể hoàn thành mục tiêu tài chính mà bạn đã đặt ra. Cho nên chúng ta cần phải chọn mục tiêu cụ thể phù hợp với năng lực của chính mình. Và khi ta cảm thấy bản thân đã đạt được mục tiêu đề ra, nghĩa là ta đã cảm thấy đủ rồi thì hãy dừng lại suy nghĩ tiếp về chặng đường tiếp theo, không phải lúc nào chúng ta cũng cứ tiến mãi lên được mà cũng cần có những chặng dừng nghỉ.

Nếu mục tiêu là kiến thức, ta cũng cần xác định kiến thức ta cần hay thích thú muốn tìm hiểu là gì? Đừng cố gắng học hay nhồi nhét những kiến thức dư thừa vừa lãng phí thời gian, công sức chỉ để hơn thua với người khác. Lúc nào dung nạp thêm được thì học, lúc nào không tiếp thu được thì dừng, nghỉ ngơi và lại tiếp tục chọn lựa những thứ cần thiết. Bởi vì kiến thức nhân loại là vô bờ bến, không ai có thể học hết được tất cả mọi thứ trong vòng đời ngắn ngủi của mình, cho nên cũng không cần cảm thấy buồn hay ganh tỵ với người khác vì có nhiều điều họ biết mà bạn không biết, mà hãy nhớ lại rằng bạn cũng biết nhiều điều mà họ không biết.

Quay lại với “tự do tài chính”, bản chất của chúng ta là muốn được giải phóng khỏi việc lao động vất vả để kiếm sống và đạt được trạng thái tự do không còn phải suy nghĩ đến việc tháng này lãnh bao nhiêu tiền lương để trả tiền thuê nhà, tiền nợ, rồi các món tiền khác phải trang trải cho cuộc sống. Nói một cách sâu xa là nó hướng đến tự do giải thoát. Ai cũng nghĩ rằng đạt tự do tài chính thì sẽ đạt tới tự do cá nhân. Tuy nhiên hai cái đó nó hoàn toàn trái ngược nhau, có nhiều người rất giàu có thể nói là không phải lo nghĩ gì về vấn đề nơi ăn chốn ở, có được cái mà chúng ta hay gọi là tự do tài chính, nhưng họ vẫn không được tự do về tư tưởng hay giải thoát, trong lòng thường hay cảm thấy khó chịu không thể ngồi yên để hưởng sự ung dung tự tại của mình. Tự do tài chính không phải là một bước đệm để tiến tới tự do cá nhân bởi vì chúng khác nhau về mặt bản chất. Để đạt tự do cá nhân bạn đơn giản chỉ cần buông bỏ mọi thứ ràng buộc vật chất và các yếu tố bên ngoài, từ đó trong tâm thức bạn sẽ được giải phóng.

Khái niệm "tự do tài chính" là một cái bẫy, để đạt được điều đó bạn phải suy nghĩ nhiều cách tinh vi, thu gom vơ vét ngày càng nhiều của cải vật chất trong thiên hạ về nhà mình, vừa đạt cột mốc này bạn sẽ tự tạo cho mình một cột mốc khác, cứ thế không dừng, đi theo con đường đó lòng tham của bạn sẽ lớn mãi không ngừng. Vì động cơ của nó là lòng tham, nên bạn sẽ không bao giờ đạt được giải phóng khỏi các ràng buộc về vật chất nếu bạn không chọn một cột mốc cụ thể và cam kết dừng lại khi đã đến nơi. "Tự do tài chính" nó giống như là đường đua của lòng tham, ban đầu bạn cố gắng bắt kịp người khác, sau đó là cố gắng vượt xa người khác. Cứ hơn thua mãi như vậy sẽ không bao giờ đủ, lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn vì không bằng ai hoặc sợ ai đó sẽ vượt mặt mình.


Con người tự do, là con người có thể sống với ước mơ của mình mà vượt thoát khỏi nhiều ràng buộc mà xã hội đã vô tình hay cố ý áp đặt lên cá nhân người đó, người đó có thể đạt được tự do lâu dài hoặc trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Nếu đã từng trải qua cảm giác tự do đó, bạn sẽ mong một ngày nào nó quay lại với mình.


Nếu ước mơ của bạn là vẽ tranh, thì hãy vẽ đi, bạn có nhiều phương tiện để làm điều đó, đâu nhất thiết phải có tiền mua giấy, bút, mực, màu mới có thể vẽ. Nếu bạn yêu thích vẽ, bạn có thể dùng cái que vẽ lên mặt đất, bạn có thể dùng nhiều thứ khác xung quanh để vẽ. Nếu bạn thích chế tạo sản phẩm nào đó thì hãy chế tạo nó, nếu vốn liếng bạn không nhiều để mua vật liệu cao cấp, thì bạn vẫn có thể tìm ra các vật liệu khác rẻ tiền để thay thế, nó có thể không đẹp, không hào nhoáng, nhưng miễn là bạn đã chế tạo được sản phẩm phục vụ công việc gì đó thì bạn cũng đã hoàn thành được ước mơ của mình.

Suy nghĩ kỹ lại “tự do tài chính” không phải là phương tiện giúp bạn đạt ước mơ, mà nó có thể là cạm bẫy, một cái bánh vẽ kéo bạn ra xa khỏi mơ ước của mình. Vì nó không có điểm dừng và không có lối thoát.

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


CẢM ƠN BẠN!

bottom of page