top of page
Tìm kiếm

NGỘ KHÔNG & TRIẾT HỌC PHƯƠNG ĐÔNG


Người xem Tây Du Ký đã nhiều, viết về nó cũng không ít. Thậm chí còn dựa hơi viết ra những thứ nói về kinh doanh làm ăn, quản lý doanh nghiệp. Và càng về sau càng đi xa giá trị chân thực của nguyên tác. Những biến thể của Tây Du Ký như truyện tranh, phim ảnh càng lúc càng nhấn mạnh sự bạo lực, sân hận xa rời tính nhân văn của nguyên bản. Trong bài này tôi viết ra vài dòng cảm nhận của mình về các giá trị chân chính mà tác giả Ngô Thừa Ân đã gửi gắm và chia sẻ với những người từng một thời yêu thích tác phẩm này.


Sự ra đời của Mỹ Hầu Vương

Đông Thắng Thần Châu (Purva-Videha) nhiều ngàn năm trước, có tảng đá nhờ hấp thụ linh lực ngàn năm của trời đất đến một ngày hóa thân trở thành một con khỉ sống ở động Thủy Liêm, Hoa Quả Sơn. Chỉ một đoạn mở đầu của câu chuyện đã chất chứa nhiều triết lý ẩn tàng bên trong, dựa vào sự hiểu biết hạn hẹp của mình tôi mạo muội phỏng đoán rằng tác giả Ngô Thừa Ân không chỉ uyên thâm về Lão Giáo, Đạo Giáo mà còn có sự am tường về Phật học. Khi còn là trẻ thơ, chi tiết này dường như là một chuyện cổ tích hoang đường, dần dần lớn lên bản thân có sự trải nghiệm ta sẽ tự có giải đáp riêng về việc tảng đá hấp thu linh lực trong trời đất.


Theo sự hiểu của tôi, vạn vật trên thế gian đều có sự sống của riêng nó, tảng đá đối với con người là một vật vô tri vô giác bởi vì con người có những hạn chế của riêng mình nên không nhận ra được sự sống riêng của tảng đá. Với sự phát triển của khoa học ngày nay, chúng ta đã biết được mọi vật trên đời đều được cấu tạo từ nguyên tử, và các nguyên tử chuyển động không ngừng, mà tảng đá cũng là vật chất được cấu tạo từ nguyên tử. Từ đó có thể suy ra tảng đá bản thân nó có sự sống, sự vận động của nó không nằm ở bên ngoài mà là ở nội tại. Các giác quan của con người bị giới hạn không thể nhận ra được điều đó, và tự cho rằng hòn đá vô tri vô giác thật là mê lầm.


Một tảng đá trải qua nhiều ngàn năm tu luyện không ngơi nghỉ phút giây nào đã tiến hóa sang hình thái khác, trở thành một loài vật gần giống như người nhưng không phải người, đó là một con khỉ đá. Tảng đá đó tuy đã kiên nhẫn tu hành, nhưng có lẽ nghiệp quả của muôn kiếp trước còn nặng, nên chỉ hóa thân được tới ngưỡng đó chưa hoàn toàn thành người. Và bởi vì nó gần giống người nên ít lông và có trí thông minh vượt trội hơn những con khỉ bình thường ở Hoa Quả Sơn, vì vậy được chúng suy tôn làm Mỹ Hầu Vương.


Dưới sự lãnh đạo của Mỹ Hầu Vương, lại ở vị trí đắc địa Hoa Quả Sơn quanh năm cây trái sum xuê, đàn khỉ chỉ việc ăn uống thỏa thích, chơi đùa và hưởng lạc ngày này qua ngày khác. Cho đến lúc có một con khỉ già đột nhiên đứng dậy bật khóc giữa bàn tiệc, Hầu Vương lấy làm lạ gặng hỏi, nó mới tỏ bày sự quan ngại của mình về cái chết. Đối với nó chết là hết, không còn được ngày ngày vui hưởng lạc thú nữa. Hầu Vương từ lúc hóa thân chuyển kiếp cũng đã quên mất ký ức tu luyện ngàn năm của mình khi còn là tảng đá ngày xưa, bao nhiêu sự học hỏi ngàn năm đã bị xóa sạch, nay nghe những lời vô minh của con khỉ già nọ cũng bỗng trở nên buồn rầu. Ở điểm này ta có thê thấy khi bị dục vọng sai khiến mọi sự an lạc tự nhiên đều biến mất và thay vào đó là khổ não ưu phiền. Vì lòng ham dục, hưởng lạc nó dẫn đến nỗi sợ cái chết và kéo theo ham muốn kéo dài sự sống để tiếp tục hưởng lạc. Một vòng tròn lẩn quẩn, không có lối thoát. Màn đêm đau khổ cứ thế kéo dài bất tận.


Sống và chết là lẽ thường tình, có sự sống, ắt là phải có sự chết, đã là lẽ thường tình tại sao phải lo sợ vô ích rồi tự chuốc lấy khổ não. Chỉ một đoạn mở đầu của Tây Du Ký, mà tác giả Ngô Thừa Ân đã để lại biết bao nhiêu điều để độc giả suy nghĩ và chiêm nghiệm qua hàng trăm năm.


(còn tiếp)

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


CẢM ƠN BẠN!

bottom of page